Các nhà khoa học Nhật Bản vừa phát triển thành công một công nghệ có thể giúp giảm giá thành các tấm pin mặt trời thân thiện với môi trường.
Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Tatsuya Shimoda, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST), cho biết công nghệ này sử dụng silíc lỏng để phun lên các tấm nền để tạo thành các tấm pin mặt trời. Phương pháp này đòi hỏi ít thiết bị hơn phương pháp chế tạo pin mặt trời thông thường hiện nay, qua đó giúp giảm 1/2 giá thành sản xuất các tấm pin mặt trời.
Theo nhóm nghiên cứu, công nghệ mới sẽ cho phép các doanh nghiệp phun silíc lỏng lên bề mặt các xe ô tô hoặc điện thoại di động để biến chúng thành các tấm pin mặt trời.
Giáo sư Shimoda cho biết nhóm nghiên cứu của ông sẽ cải thiện chất lượng của loại pin mặt trời này và tìm ra phương pháp sản xuất mới hiệu quả hơn, đồng thời quảng bá công nghệ mới này ra toàn thế giới.
Những tấm pin mặt trời mỏng này đang trở nên phổ biến bởi vì chúng rất nhẹ và có thể được sử dụng ở nhiều sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, việc sản xuất các tấm pin mặt trời mỏng đòi hỏi phải có các thiết bị lớn do các nhà sản xuất cần phải chuyển silíc thành khí trước khi xịt chúng vào các chất nền.
Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)