Đài BBC (Anh) đưa tin Genetika+ (Israel) được thành lập năm 2018 và tuyên bố công nghệ của công ty này có thể kê thuốc chống trầm cảm phù hợp nhất cho các bệnh nhân, tránh phản ứng phụ không mong muốn và đảm bảo rằng thuốc được kê đạt hiệu quả nhất có thể.
Nhà thần kinh học Cohen Solal là người đồng sáng lập và CEO của công ty công nghệ y tế Genetika+ nhấn mạnh: “Chúng tôi có thể đưa ra loại thuốc phù hợp với mỗi bệnh nhân từ lần đầu tiên”.
Genetika+ có thể làm được điều này nhờ kết hợp công nghệ tế bào gốc mới nhất với phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI).
Từ tế bào máu của bệnh nhân, các kỹ thuật viên Genetika+ có thể tạo ra tế bào não. Sau đó, những tế bào này được cho “tiếp xúc” với một vài thuốc chống trầm cảm. Họ sẽ ghi lại thay đổi tế bào được gọi là “dấu ấn sinh học”. Rồi phần mềm AI sẽ xử lý những thông tin này, cùng với bệnh sử và dữ liệu gene của bệnh nhân để quyết định loại thuốc phù hợp nhất để bác sĩ kê đơn và liều lượng.
Mặc dù công nghệ này vẫn ở giai đoạn đầu phát triển nhưng Genetika+ dự định ra mắt nó theo hình thức thương mại từ năm 2024. Hội đồng nghiên cứu châu Âu và Hội đồng Đổi mới châu Âu đã bảo đảm cấp vốn cho Genetika+.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 280 triệu người trên toàn cầu đang phải chịu đựng chứng trầm cảm. Việc sử dụng thuốc không phải là phương pháp thích hợp với tất cả mọi người nhưng có ước tính rằng gần 2/3 số thuốc được kê ban đầu cho chứng trầm cảm hoặc lo âu không thể đạt được hiệu quả.
Công ty Insilico Medicine (Hong Kong, Trung Quốc) đang sử dụng AI để tăng tốc khám phá thuốc. CEO của Insilico Medicine – ông Alex Zhavoronkov cho biết hệ thống AI thuộc công ty có thể nhận diện các loại thuốc đang lưu hành và phát triển, điều chỉnh thuốc mới cho các bệnh mục tiêu.
Loại thuốc điều trị xơ hóa phổi vô căn của công ty này đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Ông Zhavoronkov cho biết thường phải mất 4 năm để thuốc mới đạt được đến giai đoạn này nhưng nhờ AI chỉ mất chưa đầy 18 tháng với phần nhỏ chi phí. Ông bổ sung rằng 31 loại thuốc khác đang ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau.
Bà Cohen Solal nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở thời điểm thích hợp để có thể kết hợp công nghệ máy tính mới nhất và sự tiến bộ của công nghệ sinh học”.
Giảng viên Heba Sailem tại Đại học King's College London (Anh) nhận định tiềm năng để AI thay đổi ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu, vốn đạt doanh thu 1,4 nghìn tỷ USD trong năm 2021, là rất lớn.
Nhưng chuyên gia AI Calum Chace nhận định với BBC rằng việc ứng dụng AI trong lĩnh vực dược phẩm vẫn “tiến triển chậm”.
Trong khi đó, bà Sailem nhấn mạnh rằng lĩnh vực dược phẩm không nên chạy đua tiên phong với AI và cần áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trước khi dựa vào sự dự đoán của nó.
Bà nói: “AI có thể học câu trả lời đúng cho câu hỏi sai và các nhà nghiên cứu cùng các nhà phát triển cần có nghĩa vụ đảm bảo các biện pháp khác nhau được áp dụng để tránh thành kiến, đặc biệt là khi huấn luyện về dữ liệu của bệnh nhân”.