Phần lớn smartphone ngày nay đều được trang bị mặt gương cường lực để chống trầy xước cùng với một lớp phủ có tên gọi Oleophobic để hạn chế việc bám dính dấu vân tay và tăng độ sáng của màn hình.
Tuy nhiên dường như vẫn cảm thấy chưa hài lòng với lớp phủ Oleophobic và các loại kính cường lực hiện tại, Samsung vừa đăng ký một bằng sáng chế công nghệ mới để cải thiện khả năng của lớp phủ Oleophobic. Lớp phủ mới do Samsung phát triển sẽ tăng khả năng chống bám dính dấu vân tay, chống trầy xước tốt hơn và đặc biệt có thể tự làm liền các vết xước trên màn hình. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ mức độ trầy xước mà lớp phủ này có thể tự làm liền.
Đặc biệt lớp phủ chống trầy xước này không chỉ được sử dụng cho màn hình mà Samsung cũng có thể sử dụng cho mặt lưng sử dụng kính cường lực trên những mẫu smartphone cao cấp của hãng, điều này sẽ giúp Samsung giảm thiểu tối đa các vết trầy xước cả mặt trước lẫn mặt sau của smartphone để giữ cho sản phẩm luôn mới, trong trường hợp người dùng không muốn sử dụng ốp lưng bảo vệ.
Hiện Samsung vẫn chưa đưa ra thông tin về thời điểm sử dụng lớp phủ mới này cho các sản phẩm của hãng, dù vậy trong bối cảnh màn hình smartphone ngày càng lớn hơn và Samsung ngày càng có xu thế sử dụng gương cường lực cả ở mặt trước lẫn mặt sau sản phẩm của mình, bằng sáng chế mới này thực sự có ý nghĩa để tăng độ bền cho sản phẩm của Samsung cũng như là tính năng để tăng tính cạnh tranh của hãng so với các đối thủ khác trên thị trường smartphone.
Nhiều khả năng chiếc smartphone có thể gập được Galaxy F ra mắt sắp tới sẽ là sản phẩm đầu tiên được trang bị lớp phủ làm liền vết xước mới của Samsung.
Trên thực tế đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng “tự chữa lành vết thương” trên smartphone được xuất hiện. Trước đó LG đã từng sử dụng công nghệ do riêng mình phát triển để tự làm mờ các vết xước trên mặt lưng của bộ đôi smartphone màn hình cong G Flex và G Flex 2 của hãng.