Với diện tích gần 175.000 ha trồng cà phê, tỉnh Đắk Lắk đã trở thành “thủ phủ” của cà phê Việt Nam. Hiện nay, sản lượng và khu vực Tây Nguyên đã góp phần đưa Việt Nam tới vị trí thứ 2 trên thế giới về cà phê xuất khẩu. Để cà phê Việt Nam đứng vững trên thị trường thế giới cần ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) để phát triển bền vững và nâng cao sản lượng, chất lượng cà phê. Tuy nhiên, trong hành trình ứng dụng KHCN phát triển cà phê Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Y Ghi Nê (ảnh), Giám đốc Sở KH&CN Đắk Lắk về những khó khăn này.
Xin ông cho biết vai trò của KHCN và sự hỗ trợ của Sở KH&CN để cây cà phê phát triển bền vững tại Đắk Lắk?
Có thể nói, đối với ngành cà phê tại Đắk Lắk thì KHCN giữ vai trò chủ lực và nòng cốt. Ngành KH&CN đã đầu tư kinh phí cho sự nghiệp phát triển cây cà phê từ khâu chọn giống đến khâu trồng, chăm sóc cho đến khi thành phẩm thương mại hóa. Vai trò của KHCN thể hiện rõ trong việc nghiên cứu cây giống, ghép chồi, nghiên cứu quá trình phát triển quy trình kỹ thuật và phổ biến kiến thức cho người dân trồng cà phê.
Thời gian qua, Sở KH&CN Đắk Lắk đã vượt qua nhiều khó khăn, tập hợp được một đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về cây cà phê. Họ mang tâm huyết của mình để cùng Đắk Lắk phát triển bền vững cây cà phê cũng như xây dựng được quy trình kỹ thuật phát triển cà phê trên toàn Tây Nguyên và cả nước. Việc nghiên cứu phát triển cây cà phê đã được thực hiện trong 25 năm qua từ năm 1985, nhưng mấy năm gần đây, việc áp dụng KHCN vào phát triển cây cà phê mới thực sự được quan tâm, đặc biệt là vấn đề bảo quản sau thu hoạch.
Sở KH&CN Đắk Lắk đã mở các lớp tập huấn cho bà con dân tộc về chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cà phê. Là một tỉnh có tới 44 dân tộc sinh sống, trình độ nhận thức còn hạn chế nên chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tập huấn cũng như chuyển giao thiết bị công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất. Với đồng bào thì phải tai nghe, mắt thấy và tay làm họ mới tin và làm theo, do đó Sở đã tổ chức hàng chục hội nghị đầu bờ cho đồng bào, cử cán bộ kỹ thuật xuống vườn làm mẫu để bà con làm theo. Năm 2010, hàng ngàn lượt đồng bào dân tộc đã được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, chọn giống, bảo quản… cà phê. Bên cạnh đó, Sở KH&CN đã liên kết với các đơn vị trong tỉnh như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương để nghiên cứu, tạo ra những giống cà phê tốt cũng như những biện pháp kỹ thuật hữu hiệu nhất. Để cây cà phê phát triển bền vững, ngay bây giờ cần xây dựng quy trình phát triển từ khâu chọn giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Đâu là khó khăn khi áp dụng KHCN vào phát triển cây cà phê, thưa ông? Sở KH&CN đã tháo gỡ khó khăn này như thế nào?
Khó khăn đầu tiên là vốn vay dành cho hộ dân trồng cà phê còn ngắn hạn. Tiếp đến là trình độ người dân còn thấp và tiềm lực KHCN của tỉnh còn khiêm tốn. Hiện nay, cán bộ của Sở chỉ có 62 người, chưa có cán bộ có trình độ khoa học cao tới các huyện để hướng dẫn trực tiếp cho đồng bào. Để khắc phục điều này, ngành khoa học đã kết hợp với ngành công thương và nông nghiệp nhưng sự cố gắng cũng chỉ như muối bỏ bể do không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng chương trình phối hợp giữa các ban, ngành trong tỉnh để đẩy mạnh công tác chuyển giao, phát triển cây cà phê để sản phẩm cà phê Đắk Lắk thực sự có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Để cây cà phê Đắk Lắk nói riêng và cây cà phê Tây Nguyên phát triển bền vững, theo tôi, Nhà nước cần tạo điều kiện cho nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất cà phê vay vốn. Bên cạnh đó, mong muốn chính đáng nữa của người trồng cà phê là có bảo hiểm mùa vụ và bảo hiểm diện tích cho cây cà phê.
Phương Hoàn