Tàu sân bay Ấn Độ làm thay đổi cán cân khu vực

Theo báo Izvestia, ngày 15/11 tới, phía Nga sẽ chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ tàu sân bay “Đô đốc Gorshkov”, mà quân đội Ấn Độ đặt tên mới là “Vikramaditya”. Lễ chuyển giao chính thức sẽ diễn ra tại xưởng đóng tàu Sevmash ở Severodvinsk (Nga).

Sơ đồ của tàu. Ảnh: Internet.


Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết: “Thử nghiệm vận hành đã diễn ra thành công. Trong năm vừa qua, những khiếm khuyết đã được xác định và khắc phục”.

Dự kiến tàu Đô đốc Gorshkov ngày 30/11 sẽ rời lãnh hải LB Nga và hành trình về Ấn Độ. Nhân sự kiện quan trọng bậc nhất đối với New Delhi này, theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arakaparambila Kuriena Anthony sẽ thăm Nga và tham dự cuộc họp ủy ban liên chính phủ song phương bàn về hợp tác kỹ thuật quân sự, vốn trước đó được dự kiến trong tháng 10. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ muốn trực tiếp tham gia lễ chuyển giao tàu Vikramaditya.

Thành viên Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Ấn Độ, Ali Ahamed cho rằng đây là kết cục có hậu với chiếc tàu chỉ huy này của Hải quân Ấn Độ. Nó không chỉ là một giai đoạn mới của sự phát triển quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga-Ấn, mà còn là biểu tượng cho thấy mối quan hệ song phương này vẫn mang tầm quan trọng đặc biệt.

Ông lưu ý rằng, theo quân đội Ấn Độ, tàu sân bay sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh trong khu vực và đem lại cho Hải quân Ấn Độ khả năng thực hiện các sứ mạng viễn dương. Căn cứ vào tính năng, tàu Vikramaditya vượt trội về khả năng so với cả tàu sân bay Viraat hiện đang trong phiên chế của Hải quân Ấn Độ lẫn tàu sân bay Varyag mà Trung Quốc mua của Ukraine và tự tân trang lại.

Cơ quan báo chí của Hải quân Ấn Độ xác nhận các thủy thủ Ấn Độ sẽ tiếp tục trông cậy vào sự hợp tác đôi bên cùng có lợi với các nhà máy đóng tàu của Nga.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ lưu ý rằng uy tín của các chuyên gia Nga vẫn ở mức cao. Và điều này không hề bị ảnh hưởng sau sự kiện thảm họa đối với tàu ngầm Sindhurakshak, chìm hồi tháng 8 năm nay sau một loạt các vụ nổ. Kết luận cuối cùng về thảm họa sẽ được đưa ra sau khi con tàu được trục vớt, tuy nhiên hiện giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là yếu tố con người chứ không phải sai sót trong quá trình hiện đại hóa con tàu ở xưởng đóng tàu Nga.

Thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại Ấn Độ, Pratip Singh cho rằng dù New Delhi hiển nhiên mong muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, bằng cách tăng cường hợp tác với các nước khác, đặc biệt là Mỹ, thì vẫn có những lĩnh vực, được xem là chiến lược, chỉ có Nga cung cấp.

Chuyên gia này lưu ý rằng ngoại trừ Moskva, chẳng ai sẵn sàng thảo luận việc cho Ấn Độ thuê các tàu ngầm hạt nhân, hay tham gia đầy đủ vào dự án chế tạo máy bay đa năng thế hệ thứ 5, hoặc cùng phát triển hệ thống tên lửa phòng không và cấp phép chế tạo các xe tăng mới.

Vào thời điểm hiện nay, 60% vũ khí của Ấn Độ có xuất xứ từ Liên Xô hoặc Nga. Đương nhiên con số này sẽ tăng lên theo thời gian song vị trí hàng đầu vẫn thuộc về Nga.

Hợp đồng cung cấp chiếc tàu sân bay trên được Nga-Ấn ký năm 2004. Ấn Độ được chuyển giau tàu “Đô đốc Gorshkov” miễn phí song phải trả tiền sửa chữa và hiện đại hóa ở Nga. Moskva cũng đảm bảo cung cấp cho tàu sân bay các máy bay tiêm kích MiG-29K/KUB, máy bay trực thăng Ka-27 và Ka-31.

Tổng trị giá của thỏa thuận ban đầu dự kiến là 1,5 tỷ USD tuy nhiên sau đó được nâng lên 2,3 tỷ USD. Đầu tiên, tàu “Đô đốc Gorshkov” dự kiến được chuyển giao cho Ấn Độ vào năm 2008.


Duy Trinh (Pv TTXVN tại Nga)
Nga phiên chế tàu đổ bộ lớp Mistral cho Hạm đội Thái Bình Dương
Nga phiên chế tàu đổ bộ lớp Mistral cho Hạm đội Thái Bình Dương

Nguồn tin từ Bộ tham mưu Hải quân Nga cho biết hai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral đầu tiên sẽ được phiên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN