Nếu tập trung hết nỗ lực, Nga sẽ có tên lửa tự nghĩ vào năm 2050? |
Trong trả lời phỏng vấn mới đây cho tờ Izvestia, Tổng giám đốc Tập đoàn “Vũ khí tên lửa chiến thuật” của Nga Boris Obnosov khẳng định: “Nếu tập trung hết nỗ lực, Nga sẽ có tên lửa tự nghĩ vào năm 2050”.
Hệ thống tên lửa robot hóa là một trong những định hướng ưu tiên trong phát triển vũ khí và kỹ thuật của Nga. Hiện Nga đã thành công trong chế tạo tên lửa hành trình tầm thấp bay trên địa hình vòng, tìm kiếm và xác định mục tiêu theo thể loại và tầm quan trọng.
Chúng cũng có thể đánh lừa được hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương và chống lại các thiết bị phòng thủ vô tuyến điện tử.
Còn về tên lửa “thông minh” thế hệ mới, ông Obnosov cho biết, tên lửa hành trình có ba kiểu hệ thống dẫn đường: lazer, cơ học và cáp quang. Tùy theo yêu cầu về độ chính xác mà lựa chọn hệ thống dẫn đường. Còn đầu đạn tự dẫn đường xác định mục tiêu cho tên lửa.
Đầu đạn chủ động tự rà quét không gian tìm kiếm mục tiêu. Còn đầu đạn thụ động tiếp nhận bức xạ từ mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra hiện nay là tăng khoảng cách hoạt động của đầu đạn tự dẫn đường này.
Nếu trước kia khoảng cách chỉ khoảng vài km, thì nay đã tăng lên hàng chục km, đảm bảo cho tên lửa không thể trượt mục tiêu.
Loại tên lửa có đầu đạn tự dẫn đường thụ động này hoạt động theo nguyên tắc bản đồ. Một bản đồ số hóa địa hình và chân dung điện tử của mục tiêu được cài đặt vào máy tính trên tên lửa. Sau đó chính máy tính này tự tìm kiếm đối tượng phù hợp với các thông số của mục tiêu đã được cài đặt và hướng tên lửa vào đó. Một hệ thống định vị vệ tinh cũng được huy động hỗ trợ cho tên lửa.
Đây chính là cơ sở để giới khoa học quân sự Nga tiến tới loại tên lửa thông minh, có khả năng trao đổi thông tin giữa các tên lửa trong nhóm tấn công, từ đó tự lựa chọn chiến thuật tấn công và phân công mục tiêu.
Hãy hình dung, một giây trước khi hạ mục tiêu tên lửa phát đi tín hiệu cho các tên lửa khác rằng nhiệm vụ đã hoàn thành. Tín hiệu đó cho phép không “tiêu phí” nhiều tên lửa khác cho cùng một mục tiêu. Máy tính sẽ phân công mục tiêu để các tên lửa tiếp tục tấn công.
Ông Obnosov cho biết đây chính là đỉnh cao của trình độ kỹ thuật tên lửa, vì tương tự như trong môn đánh cờ với một máy tính không bao giờ lặp lại cùng một nước cờ, điều đó khiến nó “bất khả chiến bại” trước các kỳ thủ.
Ông Obnosov cho biết, không chỉ có Nga, mà cả tại Mỹ và châu Âu đã đạt được những bước tiến đầu tiên trong phát triển vũ khí thông minh. Hệ thống tấn công “tự suy nghĩ” đòi hỏi những nguồn chi phí khổng lồ và các nghiên cứu nền tảng và ứng dụng, song đã có thể nói rằng nó đang trở thành xu hướng trong ngành quân sự.