Theo kênh CNN, chính quyền thành phố Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc đang lên kế hoạch áp dụng hình thức chấm điểm dựa trên sức khỏe và lối sống hàng ngày cho hơn 10 triệu người dân. Ý tưởng xuất phát từ hệ thống "mã y tế" mà họ từng sử dụng trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 để xác định người mắc bệnh dựa trên nguy cơ lây nhiễm.
Theo đó, những thói quen trong cuộc sống hàng ngày của người dân, như việc uống bao nhiêu rượu, hút thuốc, thời lượng tập thể dục và ngủ cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tăng hoặc giảm điểm số hàng ngày của họ. Điểm số sức khỏe đó sẽ được gắn với mã QR kỹ thuật số có thể truy cập trên điện thoại của người dùng và có thể quét bất cứ khi nào.
Trên toàn cầu, chính phủ nhiều quốc gia đã đẩy mạnh việc thu thập dữ liệu cá nhân trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2 đã khiến trên 350.000 người thiệt mạng và trên 5.660.000 triệu người nhiễm bệnh, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins tính tới sáng 27/5 giờ Việt Nam.
Tuy nhiên, có nhiều lo ngại cho rằng một số biện pháp quá nghiêm ngặt có thể vẫn được áp dụng ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã qua đi, gây ra mối đe dọa lâu dài đối với quyền riêng tư của người dân.
Mối lo ngại ngày càng tăng lên khi chính quyền thành phố Hàng Châu tuyên bố rằng họ đang lên kế hoạch sử dụng vĩnh viễn phiên bản ứng dụng “mã y tế” từng được áp dụng để rà soát người mắc bệnh trong đại dịch COVID-19.
Kể từ tháng 2, Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng một hệ thống mã sức khỏe dựa trên màu sắc để quản lý việc di chuyển của người dân và hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Các mã phản hồi nhanh được tạo tự động, được viết tắt là mã QR, được chuyển tới điện thoại di động của người dân như một chỉ báo về tình trạng sức khỏe của họ. Màu sắc của các mã này, bao gồm màu đỏ, màu hổ phách hoặc màu xanh lá cây, sẽ quyết định liệu người dùng có thể rời khỏi nhà, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đến những nơi công cộng hay không.
Hàng Châu, thành phố ven biển cách Thượng Hải khoảng 160 km về phía Tây Nam, là một trong những thành phố đầu tiên sử dụng hệ thống mã sức khỏe để xác định người nào sẽ phải cách ly. Tuy nhiên, hiện tại, chính quyền thành phố muốn mã sức khỏe được "bình thường hóa", có nghĩa là nó có thể áp dụng cả sau đại dịch.
Tại một cuộc họp của Ủy ban Y tế thành phố Hàng Châu, ông Sun Yongrong, Giám đốc Ủy ban, cho biết họ đang tìm cách thiết lập một hệ thống có thể chấm điểm, xếp hạng công dân dựa trên dữ liệu thu thập trong lịch sử y tế, các đợt kiểm tra sức khỏe và thói quen sinh hoạt của họ.
Điểm số sẽ chịu ảnh hưởng từ chính các hoạt động thường nhật của một cá nhân, như 15.000 bước đi bộ hàng ngày sẽ giúp tăng 5 điểm, uống 200 ml rượu sẽ bị trừ 1,5 điểm, hút 5 điếu thuốc lá bị trừ 3 điểm, ngủ 7,5 giờ đồng hồ sẽ thêm 1 điểm.
Tuy nhiên, đề xuất này đã gặp phải nhiều chỉ trích trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, khi nhiều người lo ngại về vấn đề quyền riêng tư của mình.
“Tiền sử bệnh, giấy khám sức khỏe là những thứ riêng tư, tại sao chúng lại được đưa vào mã sức khỏe để đưa ra cho người khác xem. Điểm sẽ bị trừ khi hút thuốc, uống rượu và ngủ không đủ, điều này có nghĩa là cuộc sống của chúng ta sẽ bị kiểm soát hoàn toàn?” một người dùng trên Weibo, nói.
“Trong dịch bệnh, chúng ta không có lựa chọn nào khác, nhưng tôi hy vọng sau khi dịch bệnh qua đi, các cá nhân sẽ có quyền xóa ứng dụng, thay vì bình thường hóa việc sử dụng nó”, một người dùng khác nói.
Đề xuất trên cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về khả năng ứng dụng rộng rãi của hệ thống này. Trên mạng xã hội Zhihu, một số người dùng lo ngại ứng dụng trên có thể bị các công ty bảo hiểm hay tiếp thị lợi dụng, trong khi người khác sợ rằng nó có thể dẫn tới tình trạng phân biệt đối với những người có điểm số thấp.
Đề xuất áp dụng điểm y tế này cũng có nhiều điểm tương đồng với hệ thống chấm "điểm tín nhiệm" công dân ở Trung Quốc, một dự án đầy tham vọng sử dụng dữ liệu lớn (Big data) và kết hợp cả những phần thưởng lẫn hình phạt để khuyến khích người dân ứng xử tốt.
Hàng Châu được xem là trung tâm thương mại điện tử lớn của Trung Quốc. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của Alibaba, tập đoàn luôn đi tiên phong trong ứng dụng "big data" (tạm dịch: dữ liệu khổng lồ) và công nghệ số trong việc quản lý đô thị. Ở thời điểm này, không chắc chắn rằng việc đề xuất áp dụng chấm điểm y tế có được phê duyệt và ứng dụng rộng rãi toàn quốc hay không.
Một số người dùng Internet tại Trung Quốc đã đặt câu hỏi về tính khả thi của kế hoạch, chỉ ra những khó khăn về kỹ thuật chuyển đổi các dữ liệu y tế khác nhau thành điểm số và tìm ra thuật toán khả thi.
"Đây là một bước tiến quá lớn. Dù người dân Trung Quốc có sẵn sàng hy sinh quyền riêng tư của mình để đổi lấy sự tiện lợi đến đâu, chấm điểm sức khỏe chắc chắn sẽ gây ra sự bất bình từ nhiều người dùng", một bình luận trên Zhihu.