Thiên thạch đang trở thành mối đe dọa lớn đối với nhân loại. Theo tính toán của các chuyên gia, trung bình khoảng 1.000 năm sẽ có một thiên thạch có chiều dài lên đến cả trăm mét rớt xuống Trái Đất. Với tốc độ hàng chục nghìn km/giờ, nếu rơi xuống, thiên thạch từ vũ trụ này có thể xóa sổ thành phố lớn như Paris (Pháp) trong nháy mắt. Nếu như rơi xuống biển, thiên thạch đó có thể tạo ra cơn sóng thần có độ cao vài chục mét, gây thảm họa cho các vùng ven biển.
Cho đến nay, chưa một cơ quan vũ trụ nào thành công trong việc làm chệch hướng hoặc phá hủy thiên thạch. Tuy nhiên, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã hợp tác xây dựng dự án AIDA, theo đó dự tính năm 2020 sẽ phóng vào không gian hai máy thăm dò đến gần sát với một thiên thạch kép, được đặt tên là Didymos, có đường kính 800 mét, bay quanh nó có một thiên thạch vệ tinh có đường kính 170 mét.
Theo ông Patrick Michel, phụ trách dự án, châu Âu sẽ đưa một máy thăm dò nghiên cứu thiên thạch và triển khai hệ thống micro vệ tinh quanh quỹ đạo bay của thiên thạch đó. Sau đó vào năm 2021, người Mỹ sẽ đưa một thiết bị nặng 300 kg lên để bắn phá thiên thạch nhỏ với tốc độ bắn 22.500km/giờ, nhằm làm thay đổi đường đi của thiên thạch lớn.
Trong khi đó, một quỹ phi lợi nhuận của Mỹ có tên B612, hy vọng sẽ đưa vào vũ trụ một kính viễn vọng tia hồng ngoại vào năm 2018 để theo dõi các thiên thạch nhỏ.
Theo kế hoạch, trong tuần này tại thành phố Fracasti của Italy, các nhà khoa học thế giới sẽ nhóm họp để thảo luận về giải pháp trong trường hợp có thể xảy ra va chạm giữa Trái Đất và các thiên thạch. Đây là lần thứ tư một hội nghị như thế này được tổ chức. Các nhà khoa học sẽ điểm lại những kiến thức mà họ thu thập được về các khối đá vũ trụ mà Trái Đất vẫn thường xuyên gặp trên quỹ đạo của nó, từ đó đề xuất những giải pháp đối phó.
TTXVN/Tin tức