Thử nghiệm diệt trừ thực vật ngoại lai xâm hại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

UBND tỉnh Quảng Bình vừa quyết định chi hơn 1,5 tỷ đồng để thử nghiệm phương án diệt trừ bìm bôi hoa vàng-loài thực vật ngoại lai đang xâm hại nghiêm trọng di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Chú thích ảnh
Mai dương, một trong những loài ngoại lai xâm hại rất nguy hiểm ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Ảnh: baoquangbinh.vn

Quá trình thử nghiệm sẽ được tiến hành trong 12 tháng trên tổng diện tích hơn 100 ha tại khoảnh 10, tiểu khu 615 thuộc phân khu dịch vụ - hành chính Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là khu vực có bìm bôi hoa vàng xâm hại với mật độ cao.

Phương án mà UBND tỉnh Quảng Bình lựa chọn tiến hành thử nghiệm là đưa hóa chất vào thân để diệt cây. Sau khi thử nghiệm, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức nghiệm thu, nếu có kết quả tốt sẽ xây dựng thành quy trình cụ thể để từ đó nhân rộng thực hiện diệt trừ loài bìm bôi hoa vàng tại các khu vực có loài thực vật ngoại lai xâm hại này ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Theo thạc sỹ Võ Văn Trí, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng: Bìm bôi hoa vàng có tên khoa học là “Merremia sp”. Đây là loài thực vật có nguồn gốc ở vùng khí hậu nhiệt đới đảo Hải Nam và khu tự trị dân tộc Choang (tỉnh Quảng Tây-Trung Quốc).

Bìm bôi hoa vàng có sức sống cao, lây lan nhanh và thường bao trùm lên tất cả các loài thực vật khác, gây khó khăn cho quá trình quang hợp, phát triển của cây chủ. Tại vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, bìm bôi hoa vàng phát triển mạnh ở nhiều nơi trong đó có khu vực đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đường 20-Quyết Thắng. Đặc biệt, ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), bìm bôi hoa vàng phát triển rất mạnh với diện tích lên đến hàng chục ha…

Cùng với bìm bôi hoa vàng, kết quả điều tra, nghiên cứu, các nhà khoa học còn  xác định thêm 13 loài sinh vật ngoại lai khác, có nguy cơ xâm hại, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và sản xuất nông nghiệp tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Trong đó, có ít nhất 5 loài được xác định xâm hại với mức độ cao hoặc cao hơn là nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc thử nghiệm diệt trừ và đi đến diệt trừ hoặc hạn chế sự xâm hại của sinh vật ngoại lai ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là rất cần thiết nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học ở vườn.

Hi Trang (TTXVN)
Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng: 15 năm xây dựng và phát triển
Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng: 15 năm xây dựng và phát triển

15 năm kể từ ngày được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, những giá trị của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ngày càng được bồi đắp, tạo nên thế mạnh lớn để tỉnh Quảng Bình phát triển du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN