Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ từ thực tiễn địa phương

Các tỉnh khu vực phía Bắc là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước, tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng quy mô kinh tế nhỏ, chưa được khai thác hết hoặc được vận hành chưa phù hợp, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của phần lớn các địa phương chậm; cơ cấu kinh tế chưa mang dấu ấn vùng, vì vậy, khu vực Bắc Bộ phải đẩy mạnh chuyển giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ là mục tiêu trọng tâm, các hợp tác xã đã chủ động đầu tư và thực hiện theo quy trình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN

Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng từ thực tiễn địa phương 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh chỉ ra rằng: Các tỉnh khu vực phía Bắc chịu tác động ngày càng lớn bởi biến đổi khí hậu, nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm diễn ra, tuy vậy, các địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng chưa được khám phá và phát huy tốt để phát triển. Thời gian tới, việc tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sẽ góp phần tạo nên một nền tảng, một đòn bẩy tri thức - công nghệ - văn hóa - xã hội mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững khu vực các tỉnh phía Bắc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong vùng.

Theo báo cáo, năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ các địa phương triển khai gần 200 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các chương trình như: Chương trình nông thôn miền núi, Đổi mới công nghệ, Quỹ gene, Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, Sở hữu trí tuệ, cấp thiết phát sinh ở địa phương… Các nhiệm vụ tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương. Hầu hết các nhiệm vụ được triển khai đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương và vùng, vì thế kết quả nghiên cứu đã gắn sát với thực tiễn, có khả năng ứng dụng ngay trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao giá trị của các sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định: Thời gian qua, nhiều kết quả từ các nhiệm vụ nghiên cứu đã và đang được chuyển giao cho các địa phương như: Cao Bằng, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ…

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang Phan Đăng Đông cho biết: 13/18 nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tỉnh đặt hàng được phê duyệt và triển khai, trong đó có 7 đề tài, dự án, 10 mô hình khoa học và công nghệ được triển khai, ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Các đề tài, dự án đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề sinh kế cho người dân địa phương. Đồng thời, kết quả nghiên cứu của chương trình khoa học và công nghệ cũng tạo đà thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền núi theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn cho biết, tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận và ứng dụng khoa học và công nghệ trong hệ thống y tế, giáo dục, nông nghiệp… Điển hình là Trường Mầm non Hảo Nghĩa, Huyện Na Rì, Bắc Kạn đã được thụ hưởng kết quả từ đề tài “Nghiên cứu đề xuất và ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ phù hợp nâng cao hiệu quả các công trình đập dâng vùng Tây Bắc” góp phần đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh cung cấp cho hoạt động dạy và học của nhà trường cũng như sinh hoạt của học sinh lứa tuổi mầm non.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương đánh giá cao chương trình khoa học và công nghệ, tác tích cực đến nhận thức của người dân địa phương về vai trò của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã thúc đẩy, chuyển giao các kết quả nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng nông thôn mới…

Thay đổi nhận thức - phát triển bền vững

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Thời gian qua, nhiều kết quả nghiên cứu trong chương trình khoa học và công nghệ đã được ứng dụng, chuyển giao tại khu vực phía Bắc, góp phần giúp cho địa phương thay đổi nhận thức, quan điểm và lựa chọn ứng dụng khoa học công nghệ là khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp với địa phương. Ngoài các kết quả nghiên cứu, ứng dụng trong nuôi trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh... vào thực tiễn địa phương nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, các nghiên cứu còn cung cấp luận cứ khoa học, bộ cơ sở dữ liệu liên ngành, các khuyến nghị… phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Chú thích ảnh
Công ty TNHH sản xuất chè PELOYEN, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động tại địa phương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm đã góp phần giúp cho địa phương thay đổi nhận thức, quan điểm lựa chọn ứng dụng khoa học công nghệ là khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ông Nguyễn Thủy Trọng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ cho rằng: Nhận thức của người dân địa phương đã từng bước thay đổi, lựa chọn ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng... tuy nhiên, để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ để áp dụng tiêu chuẩn đo lường chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xác lập bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ cho sản phẩm đặc hữu địa phương, đổi mới công nghệ, thương mại hóa sản phẩm…

Để các tỉnh khu vực phía Bắc phát triển bền vững, cùng với việc thay đổi nhận thức, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ từ thực tiễn địa phương, các tỉnh cần tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế vùng đến năm 2045; Xây dựng chính sách phát triển hàng hóa, lựa chọn danh mục các hàng hóa nông sản chủ lực, có thế mạnh đặc trưng của địa phương, vùng và sản phẩm mang tính liên vùng để phát triển thành chuỗi giá trị nông sản, hướng đến xuất khẩu, phát triển bền vững.

Đồng thời, xây dựng dựng chính sách hỗ trợ về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại, chỉ dẫn địa lý; nâng cao hiệu quả công tác dự báo cung cầu, giá cả hàng hóa và dịch vụ; Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng, tăng giá trị gia tăng và sức cạnh tranh; Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy lợi thế, thế mạnh của từng địa phương, vùng nhằm tạo ra những vùng sản xuất lớn, có thế mạnh nhất định về sản xuất và xuất khẩu.

HL (TTXVN)
Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc
Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc

Ngày 23/7, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN