Thực hư việc Nga có kế hoạch lập đơn vị an ninh mạng chung với Mỹ

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov ngày 10/7 tuyên bố Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump không có bất cứ cam kết nào về việc thành lập một đơn vị cộng tác giữa hai nước trong lĩnh vực an ninh mạng.

Trả lời phỏng vấn báo giới qua điện thoại, ông Dmitry Peskov cho biết hai nhà lãnh đạo chỉ tuyên bố sẵn sàng làm việc theo hướng đi này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức ngày 7/7. AFP/TTXVN

Trước đó, phát biểu trước báo giới cũng trong ngày 10/7 tại Moskva, bà Svetlana Lukash - một quan chức Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức vừa qua, cho biết trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã có cuộc thảo luận gần 40 phút về vấn đề an ninh mạng. Bà cho biết tại cuộc hội đàm, Tổng thống Putin "đã đề xuất thành lập đơn vị công tác chung, song điều này không có nghĩa việc hợp tác sẽ diễn ra ngay trong ngày mai". Bà Lukash nhấn mạnh đây đơn giản là một lời "đề xuất" và Nga cũng cần phải có thời gian để xem xét việc thành lập nhóm công tác này. 

Liên quan đến thông tin một luật sư có liên quan đến Điện Kremlin đã tiếp xúc với con trai, người đứng đầu nhóm vận động tranh cử và con rể của ông Donald Trump vào thời điểm 2 tuần trước khi ông Trump giành được "chiếc vé" đại diện của đảng Cộng hòa tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2017 mà báo New York Times đã đưa, người phát ngôn Dmitry Peskov khẳng định Chính phủ Nga không biết vị luật sư này. 

Những cáo buộc liên quan đến mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Nga đã phủ bóng đen trong suốt 5 tháng cầm quyền đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng. Chính quyền của Tổng thống Trump phải đối mặt với các cáo buộc cho rằng quan chức từng có thời gian phụ trách ê-kíp tranh cử, Paul Manafort, cùng nhiều nhân vật khác, có liên lạc với giới chức Nga trước khi diễn ra cuộc bầu cử. Bản thân chính quyền của Tổng thống Nga Putin bị cáo buộc tiến hành chiến dịch tấn công mạng và tiết lộ những thông tin gây bất lợi cho ứng cử viên Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Moskva luôn bác bỏ mọi cáo buộc. 

Hôm 9/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút lại ý định thành lập đơn vị an ninh mạng chung với Nga, chỉ vài giờ sau khi tuyên bố sẽ thúc đẩy nỗ lực này với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Trên trang mạng xã hội Twitter. Ông nêu rõ: "Thực tế việc Tổng thống Nga Putin và tôi thảo luận về một đơn vị an ninh mạng không đồng nghĩa là tôi cho rằng có thể thành lập nhóm này. Điều này là không thể". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng thỏa thuận với Nga về lệnh ngừng bắn ở Syria "thì có thể và đã" diễn ra. Đáp lại tuyên bố này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 10/7 khẳng định Nga sẽ tiếp tục "bồi đắp cho sự thành công" của lệnh ngừng bắn ở miền Tây Nam Syria và tìm kiếm các cơ hội để hợp tác với Mỹ để giải quyết cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này. 

Những tuyên bố qua lại giữa Mỹ và Nga đã phần nào phản ánh nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai bên, song theo nhận định của các chuyên gia cuộc hội đàm tại Hamburg giữa lãnh đạo Nga - Mỹ chỉ là sự khởi đầu, đặt nền tảng hai nước từng bước tìm hiểu, tháo gỡ bất đồng trong quan hệ Nga - Mỹ vốn tích tụ chồng chất trong nhiều năm qua.

TTXVN/Tin Tức
Nga khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ về Syria
Nga khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ về Syria

Ngày 10/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết tiếp sau sự thành công của thỏa thuận ngừng bắn tại Tây Nam Syria, chúng tôi sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội nhằm hợp tác với Mỹ trong việc giải quyết cuộc xung đột Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN