Thụy Điển giúp Việt Nam chế tạo máy bay không người lái

Ngày 20/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo và Lễ ký kết hợp tác Việt Nam – Thụy Điển chế tạo máy bay không người lái (UAV) do Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Unmanned (Thụy Điển) tổ chức.

Các đại biểu đã được đối tác Thụy Điển giới thiệu mẫu UAV tầm trung có tên gọi: “ Magic Eye 1” (Mắt thần 1).

Một mẫu máy bay không người lái. Ảnh Internet.


Hai bên đã nhất trí chia Dự án hợp tác thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 phía Thụy Điển sẽ giúp Việt Nam toàn bộ kinh phí và thiết bị lắp ráp chế tạo hai UAV- Mắt thần 1, bao gồm cả việc chuyển giao sở hữu trí tuệ, kiểu dáng thiết kế cũng như cử các chuyên gia về UAV của Unmanned sang Việt Nam giúp đỡ, tư vấn các đơn vị hợp tác.

Giai đoạn 2 hợp tác phát triển khoa học điện tử hàng không, bao gồm các kỹ thuật lái tự động, camera giám sát ngày đêm...

Giai đoạn 3 sẽ tiến tới sản xuất UAV theo đơn đặt hàng và xuất khẩu UAV từ Việt Nam .

GS. TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam cho biết: Trên thế giới UAV được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ và quản lý rừng, thăm dò địa chất, dịch vụ nông lâm - ngư nghiệp, kiểm tra đường dây cao thế. Song UAV được sử dụng phổ biến nhất là nhiệm vụ giám sát từ xa.

Với vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, đường bờ biển dài gần 3.500 km, đường biên giới dài hơn 4.500 km, 2/3 diện tích là đồi núi, tiềm năng sử dụng UAV tại Việt Nam là rất lớn. Công nghệ này có thể được ứng dụng tại nước ta với các nhiệm vụ như lập bản đồ, khảo sát, quy hoạch các tuyến giao thông, chụp ảnh trên không, giám sát đường dây tải điện cao thế, tuần tra biên giới ngày đêm, tìm kiếm cứu nạn...

Mắt thần 1 là dòng UAV thuộc tầm trung với trọng lượng 40 kg, thời gian hoạt động lên tới 6 giờ với tốc độ bay tối đa 200 km/giờ, bán kính liên lạc vô tuyến từ 100 đến 200 km. Nếu so với vệ tinh viễn thám, UAV có nhiều ưu điểm nhờ giá thành rẻ hơn nhiều, ảnh chụp có độ phân giải cao hơn hàng trăm lần do chụp ở cự ly gần, công nghệ của UAV được cập nhật kịp thời và dễ dàng. Nhưng loại công nghệ này cũng có những nhược điểm là khu vực quan sát nhỏ hơn, dễ bị bắn rơi.

Hiện trên thế giới có hơn 40 quốc gia đã tự thiết kế, chế tạo và sản xuất UAV. Thị trường UAV đã đạt 7 tỷ USD/năm và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới.


Thu Phương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN