TikTok cũng rơi vào “danh sách khả nghi” của Chính phủ Mỹ nhưng không lún sâu như Huawei. Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ đã đề nghị các bậc phụ huynh nước này yêu cầu con cái xóa ứng dụng TikTok. TikTok đang ngày càng phổ biến đối với thiếu niên Mỹ, trong thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gia tăng. Khoảng 60% người sử dụng TikTok tại Mỹ trong độ tuổi từ 16-24. Riêng tại Mỹ có 26,5 triệu người dùng TikTok mỗi tháng.
Lãnh đạo của TikTok – ông Alex Zhu thừa nhận với tờ New York Times (Mỹ) rằng công ty đang rơi vào tình thế khó khăn. Nhưng Alex Zhu đồng thời khẳng định ông sẽ chắc chắn nói không trong trường hợp Bắc Kinh yêu cầu TikTok trao dữ liệu của người sử dụng. TikTok cũng cam kết lưu trữ dữ liệu của người sử dụng Mỹ trong lãnh thổ Mỹ.
Trong khi đó, “Cha đẻ” của Huawei là Nhậm Chính Phi cũng từng lên tiếng nói ông sẽ không giúp Chính phủ Trung Quốc do thám Mỹ. Nhưng hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết rất khó để chứng minh điều này.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc đã căng thẳng trong thời gian qua và Huawei mắc kẹt ở giữa. Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đưa ra báo cáo về cuộc điều tra kéo dài một năm trời trong đó đánh giá Huawei là mối đe dọa với an ninh Mỹ. Cáo buộc này bị cả Huawei và Chính phủ Trung Quốc bác bỏ.
Năm 2018, lãnh đạo Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo Quốc phòng trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ đều nhận định rằng các sản phẩm của Huawei gây rủi ro an ninh tới người sử dụng, đồng thời khuyến cáo người dân Mỹ không sử dụng điện thoại của công ty Trung Quốc này.
Trong tháng 5, Mỹ đặt Huawei vào danh sách cấm không được mua công nghệ của Mỹ nếu chưa có sự thông qua đặc biệt từ chính phủ.
TikTok có 1,5 tỷ tài khoản sử dụng hàng tháng. Năm 2017, TikTok còn đạt giá trị tới 13,5 tỷ USD.
Việc từ bỏ ứng dụng TikTok có thể là “cú đòn đau đớn” đối với công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) nhưng vẫn là một lựa chọn.