Tim nhân tạo hoàn chỉnh đầu tiên

Một cụ ông người Pháp đã được cấy ghép quả tim nhân tạo hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới - vốn là sáng chế của giáo sư người Pháp.

"Holy grail" - trái tim nhân tạo hoàn chỉnh đầu tiên. Ảnh: Indepentdent.com


Được kiểm soát bởi máy tính và có một phần làm từ mô động vật đã được xử lý hóa chất, “cỗ máy” này là thành quả 30 năm lao động của giáo sư 80 tuổi người Pháp Alain Carpentier, được gọi với cái tên “Chén thánh” (Holy grail - gắn với truyền thuyết Công giáo) của phẫu thuật ghép tạng.

Khi được hỏi về phát kiến mới này, chủ nhân của “Holy grail” đã trích dẫn một câu nói của nhà khoa học Pháp thời thế kỉ 19 Claude Bernard: “Dù thơ ca có nói gì đi nữa, thì trái tim cũng chỉ là một chiếc máy bơm”. Ông giải thích thêm, “đó là một dạng bơm rất đặc biệt. Nếu như người thân của bạn đi qua cánh cửa (với trái tim nhân tạo), nó sẽ bắt đầu đập nhanh hơn, như là một quả tim thực sự”.

Tình trạng rối loạn chức năng tim xảy ra khi bộ phận này không còn khả năng bơm máu lưu thông trong cơ thể. Nguyên nhân là do bệnh động mạch vành và huyết áp cao. Hầu hết bệnh nhân chết sau 1 năm nhập viện tính từ thời điểm phát bệnh. Đối với những người bệnh này, phẫu thuật thay tim là lựa chọn duy nhất giúp duy trì sự sống lâu dài. Thế nhưng, nguồn tim thay thế trên toàn cầu chỉ là 4.000 quả, trong khi nhu cầu được cấy ghép thay thế là hơn 100.000 người/năm. Nghiên cứu về tim nhân tạo lần đầu tiên được tiến hành vào năm 1963 tại Mỹ. Thiết bị này hoạt động theo nguyên lý mô phỏng cơ tim để thu và đẩy máu. Trước phát minh mới của giáo sư Carpentier, bệnh nhân sử dụng tim nhân tạo như là một giải pháp tình thế, chờ đến khi được ghép tim (theo Daily Mail).

Cho đến nay, đã có nhiều dạng tim nhân tạo được thiết kế và thử nghiệm, với những thành công nhất định, như trường hợp thiết bị của Robert Jarvik lần đầu tiên được cấy ghép trên cơ thể bệnh nhân Barney Clark (người Mỹ) vào 1982, nhưng chỉ sống được sau 112 ngày. Sáng chế của Carpentier được cho là quả tim nhân tạo hoàn chỉnh đầu tiên hoạt động theo cơ chế tự điều chỉnh. Nó do công ty Y học Carmat (Pháp) phát triển và đã được cấy ghép cho một bệnh nhân tại một bệnh viện ở Paris, sau một ca phẫu thuật kéo dài 10 tiếng hôm 18/12.

Thông tin về ca phẫu thuật này đã rò rỉ đến giới báo chí Pháp trước khi được công bố chính thức trong tuần này. Bệnh nhân được mô tả là ở tình cảnh “sắp chết, nếu không có một quả tim thay thế”, nhưng hiện này được cho là đã ở tình trạng sức khỏe tốt. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Y tế Pháp Marisol Touraine cho biết: "Đây là một niềm tự hào với nước Pháp. Nó chứng tỏ chúng ta là người đi tiên phong trong lĩnh vực y tế; rằng chúng ta có thể phát minh, áp dụng những cải tiến mà sẽ mang lại hy vọng lớn đối với nhiều người".

Giáo sư Carpentier hy vọng, tim nhân tạo chạy bằng các nguồn pin có thể thay thế ở bên ngoài cơ thể này sẽ giúp giải quyết vấn nạn thiếu nguồn cung cấp trong cấy ghép tim. “Holy grail” nặng 900 gam, tương đương kích cỡ và hoạt động như cơ chế của một tim thật. Các bộ cảm biến và vi xử lý điện tử sẽ giám sát nhu cầu lưu thông máu, từ đó điều chỉnh hoạt động của thiết bị.

Trong buổi trả lời phỏng vấn báo Journal du Dimanche (Pháp) hôm 22/12, Giáo sư Carpentier cho biết ông đã bắt đầu việc nghiên cứu từ 3 thập kỉ trước đây. “Tôi đã gặp phải một tình huống đau lòng. Tôi có một bệnh nhân, lúc đó sắp chết do tim hoạt động không bình thường, nhưng lại chẳng kiếm đâu được nguồn thay thế... và vì thế, tôi quyết định cố gắng chế tạo ra một trái tim hoàn chỉnh”, vị giáo sư người Pháp chia sẻ.

Giá của một quả tim nhân tạo này vào khoảng 100.000 – 135.000 bảng Anh (160.000 – 216.000 USD) - tương đương tổng chi phí cho một ca phẫu thuật thay thế tim lấy từ nạn nhân xấu số chết vì tai nạn. Kích thước của mẫu tim hiện tại phù hợp với 70% nam giới và 25% nữ giới, nhưng giáo sư Carpentier cho biết đang phát triển một phiên bản mới nhỏ hơn.


HT (The Independent, Daily Mail)
Lần đầu tiên cấy ghép thành công tim nhân tạo cho người
Lần đầu tiên cấy ghép thành công tim nhân tạo cho người

Lần đầu tiên trên thế giới, một quả tim nhân tạo hoàn toàn đã đập trong lồng ngực của con người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN