Mảnh thiên thạch "già nua" được tìm thấy tại Australia. |
Các nhà khoa học của trường đại học Curtin (Australia) đã cất công truy tìm mảnh thiên thạch này sau khi nó đi vào bầu khí quyển của Trái đất vào ngày 27/11/2015 từ một quỹ đạo quay quanh sao Hỏa.
Sau ba ngày thực địa với sự hỗ trợ của thiết bị bay không người lái và xe cơ giới, một đội tìm kiếm gồm hai nhà khoa học đã giới hạn khu vực tìm kiếm trong phạm vi 1km vuông. Trong cuộc chạy đua với những cơn mưa lớn đe dọa rửa trôi tất cả dấu vết, cuối cùng các nhà khoa học đã tìm thấy mảnh thiên thạch nằm bên dưới lớp bùn của hồ Eyre.
Khi đi vào bầu khí quyển Trái đất, mảnh thiên thạch này nặng 80kg. Tuy nhiên, khi được các nhà khoa học tìm thấy, cân nặng của “lão già vũ trụ” chỉ còn lại 1,7kg. “Mảnh thiên thạch này còn già hơn cả Trái đất. Đây là viên đá cao tuổi nhất bạn từng nắm được trong lòng bàn tay”, trưởng nhóm Phil Bland phấn khởi cho biết.
Với việc tìm thấy những mảnh thiên thạch như vậy, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể lần ra manh mối dẫn đến những hiểu biết về sự hình thành của hệ Mặt trời. “Có nhiều câu hỏi còn chưa được trả lời về sự hình thành của hệ Mặt trời. Càng có nhiều mảnh thiên thạch có quỹ đạo gần hơn, chúng ta càng có thể dần tiến đến việc trả lời những câu hỏi như vậy, thậm chí là về cả sự hình thành hay tạo nên sự sống trên Trái đất”, nhà nghiên cứu Robert Howie cho biết.