Tín hiệu tích cực từ thị trường chip bán dẫn toàn cầu

Ngành công nghiệp chế tạo đang phải đối mặt với lạm phát giá nguyên liệu thô, thị trường năng lượng bị thắt chặt và lãi suất tăng cao, nhưng có thể giảm bớt phần nào gánh nặng khi nguồn cung chip bán dẫn tăng lên.

Chú thích ảnh
Thiếu hụt chip và nguồn cung ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế. Ảnh minh họa: Bloomberg

Ngày 21/7, lãnh đạo các tập đoàn ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor Co, hãng sản xuất người máy (robot) ABB và nhà sản xuất thiết bị gia dụng Thụy Điển Electrolux nhìn nhận tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn đã phần nào được cải thiện sau thời gian dài thiếu hụt.

Nguồn cung chip tăng sẽ giảm bớt một gánh nặng đối với một ngành công nghiệp vốn cũng đang phải đối mặt với lạm phát giá nguyên liệu thô, thị trường năng lượng bị thắt chặt và lãi suất tăng cao, tác động đến nhu cầu của người tiêu dùng. Hyundai ngày 21/7 đã ghi nhận lợi nhuận hàng quý tốt nhất trong 8 năm. Có được kết quả này một phần là nhờ tình trạng thiếu chip toàn cầu đã lắng dịu. Hiện hãng có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất xe trong nửa cuối năm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

ABB, một nhà cung cấp lớn cho ngành sản xuất ô tô, cho biết tình trạng tắc nghẽn nguồn cung chip bán dẫn hiện đã giảm bớt. Công ty có trụ sở tại Thụy Sỹ, cạnh tranh với Siemens của Đức và Schneider Electric của Pháp, dự đoán tăng trưởng doanh thu hai con số có thể tăng gấp đôi tăng trưởng doanh thu trong 3 tháng tới khi nguồn cung chip tăng lên đồng nghĩa với việc hãng có thể cung cấp các robot, động cơ và ổ đĩa mà khách hàng đặt.

Giám đốc điều hành Bjorn Rosengren cho biết năng lực sản xuất tại các nhà sản xuất chip đang tăng lên, trong khi nhu cầu từ các lĩnh vực khác, chẳng hạn như điện tử tiêu dùng, dường như thấp hơn, cho phép phân bổ nhiều chip hơn cho các khách hàng như ABB.

Ngoài ra, việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) sau khi ngừng vận hành để bảo dưỡng cũng đã gửi "tín hiệu tốt cho thị trường" - mặc dù lượng khí đốt vẫn ở mức dưới công suất của đường ống.

Trong khi đó, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Nokia của Phần Lan bày tỏ hy vọng tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu sẽ giảm bớt vào cuối năm nay, trong bối cảnh hãng đã báo cáo lợi nhuận hàng quý vượt kỳ vọng của thị trường. Giám đốc điều hành Pekka Lundmark nhận định: "Xu hướng tổng thể trong ngành bán dẫn hiện tại là tích cực, nhưng chúng tôi tiếp tục gặp những khó khăn trong quý II".

Electrolux - nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất châu Âu - dự đoán những hạn chế của chuỗi cung ứng sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm song cảnh báo về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Jonas Samuelson đánh giá tình hình nguồn cung ứng, bao gồm cả chất bán dẫn, dường như tốt hơn cho quý III và IV so với quý trước đó.

TTXVN (TTXVN)
Châu Âu hướng tới tự chủ nguồn cung chip bán dẫn
Châu Âu hướng tới tự chủ nguồn cung chip bán dẫn

Châu Âu sẽ sớm triển khai sản xuất chip điện tử - thành phần đóng vai trò then chốt trong việc chế tạo các sản phẩm và linh kiện công nghệ hiện đại, khi tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Intel của Mỹ lựa chọn khu vực này để xây dựng một nhà máy chip mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN