Dự kiến, vào đầu năm 2022, Intel sẽ lựa chọn một địa điểm tại châu Âu để xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn chất lượng cao và có kích thước siêu nhỏ tính bằng đơn vị nanomet. Kích thước của chip càng nhỏ thì càng chứa được được nhiều bóng bán dẫn, giúp chip hoạt động nhanh và hiệu quả hơn.
Giám đốc điều hành của Intel, ông Pat Gelsinger, cho biết hãng có kế hoạch thành lập hai cơ sở sản xuất, mỗi cơ sở cần đến 1.500 công nhân, với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ euro (11 tỷ USD). Bên cạnh đó, Intel cũng dự định xây thêm 6 nhà máy chip, nâng tiềm năng đầu tư lên 80 tỷ euro (90 tỷ USD).
Đức được cho là địa điểm tiềm năng được Intel chọn làm nơi đặt nhà máy sản xuất chip ở châu Âu.
Trước đó, thành phố Dresden của Đức đã được nhiều hãng sản xuất chip tên tuổi như Bosch, Global Foundries và Infineon “chọn mặt gửi vàng”. Vùng Saxony cũng là một địa điểm được quan tâm do có nguồn lao động dồi dào, tay nghề cao và hứa hẹn tiềm năng về bất động sản khi nằm ở biên giới Đức giáp với Ba Lan và CH Séc.
Giới chuyên gia cho rằng tuy Pháp và Italy có thể không nằm trong số những nơi được Intel lựa chọn, song hai quốc gia này sẽ là nơi để nghiên cứu và phát triển, hoặc đóng vai trò như một phần của chuỗi cung ứng châu Âu.
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu xảy ra gần đây đã làm nổi bật tầm quan trọng của chất bán dẫn, vốn được sử dụng để sản xuất hàng loạt các sản phẩm công nghệ thiết yếu như ô tô, ti vi và điện thoại thông minh.
Nhu cầu thường xuyên của người tiêu dùng và việc đóng cửa các nhà máy sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt tại châu Á, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn toàn cầu, khiến nhiều nhà sản xuất ô tô như Ford, Nissan hay Volkswagen phải cắt giảm sản lượng.
Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Hồi tháng 6, hãng Bosch đã mở một nhà máy chip mới tại thành phố Dresden, Đức với kinh phí 1 tỷ euro (1,2 tỷ USD).