Theo đài Sputnik, vụ đầu tiên xảy ra 20/1 với “kẻ tấn công” là tiểu hành tinh 2017 BX có kích cỡ chừng một con cá voi sát thủ. Vụ bay gần Trái Đất tiếp theo rơi vào ngày 25/1 do tiểu hành tinh 2017 AG13 to bằng một ngôi nhà gây ra.
Cả ba tiểu hành tinh này đều bị các trạm quan sát vũ trụ phát hiện ra trước khi chúng đi vào điểm cực cận với Trái Đất.
Tiểu hành tinh “lăm le tấn công” địa cầu mới nhất được các nhà khoa học đặt tên là 2017 BH30. Hôm 30/1, nó đã bay cách Trái đất chỉ 51.500 km, rất gần so với khoảng cách 362.100 km từ Trái Đất tới Mặt Trăng.
Thiên thể tiếp theo được các nhà thiên văn học dự tính sẽ bay sượt qua Trái đất vào khoảng tháng 10 tới là 2012 TC4 có kích cỡ từ 10 – 30 m.
Cũng theo Sputnik, các nhà thiên văn thừa nhận rằng đài thiên văn trên mặt đất không đủ khả năng phát hiện tất cả các tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm cho Trái Đất. Theo họ, phải cải thiện độ nhạy của các kính thiên văn trên mặt đất và tăng cường giám sát các tiểu hành tinh bằng vệ tinh trên quỹ đạo.