COMPAS là công cụ giúp phát hiện và phân tích hoạt động công nghệ toàn cầu theo các thông tin từ bài báo khoa học, nền tảng dữ liệu bằng sáng chế. Thông thường, các nhà khoa học và người tham gia các dự án nghiên cứu phát triển hay gặp phải khó khăn trong theo dõi thông tin thường xuyên; phân tích so sánh khách quan với xu hướng công nghệ, công nghiệp, thị trường; giám sát và phản ứng với công nghệ cạnh tranh. Với hệ thống COMPAS, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ được hỗ trợ để phát hiện và phân tích thông tin này, từ đó đưa ra những quyết định chính xác.
Tại Việt Nam, COMPAS tích hợp 10 mô đun hữu dụng trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai nghiên cứu và phát triển. Các mô đun này được thiết kế đơn giản, trực quan, dễ dàng tiếp cận trên nền tảng web.
Chẳng hạn, COMPAS đưa ra các báo cáo phân tích đa dạng, dựa trên thông tin từ các sáng chế, bài báo khoa học và báo cáo thương mại phục vụ nhu cầu của người dùng. Dịch vụ được cá nhân hóa bằng cách để người dùng trực tiếp tìm kiếm và chỉ định công nghệ đích.
COMPAS giúp trả lời những câu hỏi: Ai là đối thủ cạnh tranh chính trong lĩnh vực công nghệ bạn đang quan tâm? Hiện trạng nghiên cứu công nghệ ra sao? Các tổ chức khoa học, doanh nghiệp nào cũng đang tiến hành nghiên cứu tương tự trong lĩnh vực này? Ai quan tâm đến công nghệ của bạn? Đâu là các công nghệ lõi trong lĩnh vực này? Đâu là các mảng thị trường mới? Tình hình giao dịch bằng sáng chế trong lĩnh vực này ra sao?
Tại Hàn Quốc, KISTI là đơn vị nghiên cứu và cung cấp các dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ với lịch sử phát triển hơn 60 năm.
Các dịch vụ của KISTI như: Phân tích thông tin; Phát triển công cụ phân tích tự động/thông minh; Cung cấp công cụ/hệ thống; Phát triển chính sách và tư vấn nghiên cứu và phát triển. Năm 2013, KISTI đã xây dựng thành công hệ thống COMPAS để quản lý và phân tích thông tin. Đây là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho Phát triển chính sách, tư vấn nghiên cứu và phát triển.
Ngày 26/4, lớp học quốc tế Việt Nam - Hàn Quốc được tổ chức với tiêu đề “Nâng cao năng lực hoạch định chiến lược nghiên cứu và phát triển với hệ thống V-COMPAS” dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia thuộc Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc.
Lớp học là sự phối hợp giữa Trung tâm Thông tin – Tư liệu, Viện Hàn lâm KHCNVN (ISI, VAST) với Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KISTI). Đồng thời là sự tiếp nối các hoạt động tập huấn của cán bộ nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống COMPAS, phiên bản tiếng Việt là V- COMPAS, trong quá trình nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ.
Lớp học tập trung vào hoạt động đào tạo, hướng dẫn cách thức vận hành và khai thác sử dụng hệ thống V-COMPAS hiệu quả cho cán bộ nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây còn tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu trong các dự án nghiên cứu và phát triển, cập nhật các công nghệ cạnh tranh, nắm bắt cơ hội, xử lý rủi ro trong nghiên cứu và phát triển.
Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định: Việc trang bị những công cụ hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và quản lý công nghệ, giúp cho các nhà khoa học tìm kiếm, tra cứu và hỗ trợ phân tích thông tin, tìm ra các công nghệ mới, bắt kịp xu hướng công nghệ của thế giới là hết sức cần thiết. Đồng thời, các nhà quản lý khoa học và công nghệ cần có các công cụ để đánh giá công nghệ, giúp cho việc đầu tư đúng hướng với các ngành công nghệ ưu tiên.
Ông mong muốn, sau buổi đào tạo này, các cán bộ khoa học tham gia có thể phổ biến lại và lan tỏa cách sử dụng hệ thống đối với các cán bộ khác tại các Viện chuyên môn.