Hệ thống đầu tiên thuộc loại này đã được các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Nottingham (Anh) tiến hành thử nghiệm, sau khi được “huấn luyện” với dữ liệu của khoảng nửa triệu người trong độ tuổi từ 40 đến 69 - được Ngân hàng Dữ liệu sinh học Anh thu thập trong thời gian từ năm 2006 đến 2010.
Hệ thống nói trên đã cho kết quả rất chính xác trong các dự báo, thậm chí còn tốt hơn so với những gì được thực hiện bởi các chuyên gia "bằng xương bằng thịt", đặc biệt là trong việc dự đoán các bệnh tim mạch.
Chuyên gia Stephen Weng cho biết: “Chúng tôi đã phát triển một cách tiếp cận toàn diện, bằng cách sử dụng các yếu tố nhân khẩu học, lâm sàng và lối sống như tiêu thụ trái cây, rau và thịt hàng ngày”.
Trên cơ sở các kết quả dự đoán thu được, các nhà nghiên cứu Anh đã xây dựng một bản đồ dự đoán về tỷ lệ tử vong của nhóm người này và được đối chiếu với những dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia liên quan đến tuổi thọ, khối u và số lần nhập viện của người bệnh. Và kết quả so sánh cho thấy máy tính đã chiến thắng con người.
Theo các nhà nghiên cứu, trong tương lai, AI sẽ là nền tảng cho sự phát triển của y học cá nhân, nhưng sẽ cần các nghiên cứu sâu hơn để xác minh và xác nhận các thuật toán này trên các nhóm dân số khác, trước khi sử dụng chúng trong quy trình y tế.