Theo kênh CNN, tính đến thời điểm hiện tại, thế giới mới chỉ xuất hiện 4 mạng lưới vệ tinh định vị toàn cầu lớn, bao gồm GPS của Mỹ, GLONASS của Nga, Galileo của Liên minh châu Âu (EU) và giờ là Beidou của Trung Quốc. Ấn Độ và Nhật Bản cũng có hệ thống của riêng mình song quy mô hoạt động nhỏ hơn.
Phần lớn người dân trên thế giới quen thuộc với GPS. Hệ thống này được sử dụng trong mọi lĩnh vực, từ định vị cá nhân cài đặt trong điện thoại tới hoạt động theo dõi các chuyến bay và tàu thuyền hàng hải.
Beidou là hệ thống do Trung Quốc tự nghiên cứu và phát triển sau gần 2 thập kỷ. Trong một bài xã luận đăng trên Nhật báo Nhân dân phát hành ngày 23/6, tác giả miêu tả hệ thống định vị Beidou thuộc về “toàn thế giới và nhân loại”.
Các chuyên gia nhận định việc Trung Quốc đẩy mạnh phát triển một mạng lưới định vị mới xuất phát từ nguyên do nước này muốn giảm sự phụ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.
Ông Andrew Dempster – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Không gian Australia (ACSER) thuộc Đại học New South Wales – cho biết: “Thật ra hệ thống Beidou của Trung Quốc không có gì quá đặc biệt. Đơn giản đây chỉ là thành tựu mà Trung Quốc muốn khoe cho thế giới biết rằng họ đã sở hữu nó. Giống như việc đi lên Mặt Trăng và căm cờ khẳng định vị thế của mình”.
Khoảnh khắc Trung Quốc phóng vệ tinh cuối cùng của Beidou (nguồn: CCTV):
Lịch sử GPS
Mỹ và Nga là hai quốc gia đầu tiên cạnh tranh xây dựng hệ thống định vị toàn cầu của riêng mình trong Chiến tranh Lạnh. Năm 1973, Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu ra mắt hệ thống GPS, trong khi 6 năm sau, hệ thống GLONASS của Nga mới ra đời. Tuy nhiên, cả hai hệ thống này mãi đến năm 1995 mới “hoàn toàn đi vào hoạt động”.
Phần lớn hệ thống, cụ thể là GPS, hoạt động trên cơ chế sử dụng 4 vệ tinh cùng một lúc để xác định vị trí của một vật hay một người trên mặt đất và truyền tải tín hiệu vào bản đồ.
Năm 1994, Trung Quốc bắt tay vào xây dựng hệ thống định vị của riêng mình. Mặc dù ra đời sau song hệ thống Galileo của EU dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2020.
Ngoài Galileo của EU, các hệ thống định vị của Mỹ, Nga và Trung Quốc hoạt động dưới sự điều khiển của quân đội. Theo website của GPS, 4 hệ thống nói trên có tổng cộng ít nhất 20 vệ tinh đang lơ lửng ngoài quỹ đạo.
Suelynn Choy, Phó Giáo sư Viện Khoa học RMIT tại Melbourne, cho rằng việc các nước có hệ thống định vị của riêng mình sẽ hữu ích trong trường hợp một mạng lưới bất ngờ gặp sự cố và dừng hoạt động, như sự cố mà hệ thống Galileo gặp vào tháng 7/2019.
Tuy nhiên, mục đích ưu tiên khi ra đời hệ thống định vị của riêng mỗi nước là thế mạnh về quân sự. Chuyên gia Dempster đưa ví dụ trong trường hợp quân đội nước đối đầu đang định vị bằng hệ thống của bạn, bạn chỉ cần ngắt tín hiệu và dễ dàng có lợi thế.
Lợi ích quân sự
Khác với những lo ngại về việc sử dụng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc như mạng 5G của Huawei, hệ thống định vị toàn cầu không có nhiều rủi ro.
“Nó chỉ làm nhiệm vụ truyền tín hiệu, bạn là người nhận, và trong trường hợp không có các kệnh khác, thì bạn không liên lạc được với hệ thống GPS hay Beidou”, chuyên gia Dempster giải thích.
Tuy nhiên, vẫn có nhược điểm khi quân đội sử dụng hệ thống định vị của quốc gia đối đầu. Chính phủ nước còn lại có thể tắt hệ thống khi cần thiết.
Với hệ thống Beidou hoàn thành, lực lượng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc và chính phủ nước này có thể hoàn toàn độc lập với hệ thống mới. Điều này cực kỳ quan trọng đối với Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang trên nhiều mặt trận.
Các chuyên gia dự đoán Trung Quốc có thể không chỉ đẩy Beidou trở thành đối thủ cạnh tranh dân sự tiềm năng với GPS. Mới đây, đồng minh thân cận Pakistan đã được cấp quyền truy cập vào hệ thống Beidou và dùng nó thay GPS của Mỹ. Giới chuyên gia cho biết Trung Quốc có thể cấp quyền truy cập cho những quốc gia tham gia Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của nước này.