Theo Bloomberg, công trình sẽ nằm trên quỹ đạo Trái đất và biến tia nắng Mặt trời trở thành điện năng rồi truyền về hành tinh của chúng ta.
Trạm điện không gian này sẽ cung cấp một nguồn cung năng lượng gần như bất biến nếu như công nghệ cần thiết có thể được hoàn thành trước hạn mốc là năm 2030 do cơ quan vũ trụ Trung Quốc đặt ra.
Kế hoạch thử nghiệm công nghệ dự kiến diễn ra giữa khoảng năm 2021 và 2025 trong tầng bình lưu. Sau đó, Trung Quốc sẽ xây dựng một nhà máy năng lượng Mặt trời công suất 1 megawatt trên vũ trụ vào năm 2030.
Một cơ sở thử nghiệm liên quan đến dự án trên đã được thiết lập tại thành phố Trùng Khánh.
Trung Quốc là quốc gia chi ngân sách nhiều thứ hai thế giới để phục vụ tham vọng thám hiểm vũ trụ. Mỹ là quốc gia đứng đầu bảng.
Cường quốc châu Á này cũng tuyên bố muốn trở thành đất nước đầu tiên thiết lập căn cứ trên Mặt trăng sử dụng công nghệ in 3D.
Sau thành công của vụ phóng tàu thăm dò Hằng Nga 4, giới chức hàng không vũ trụ Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục sứ mệnh thăm dò Mặt trăng vào cuối năm nay.
Trung Quốc nhanh chóng xây dựng danh tiếng là một trong những nhà tiên phong trong cuộc đua vũ trụ bằng việc không ngừng đầu tư vào các sứ mệnh Sao Hỏa và Mặt trăng.
Sau khi tàu Hằng Nga 5 thu thập mẫu đá trên bề mặt Mặt trăng trong sứ mệnh cuối năm nay, tàu Hằng Nga 6 sẽ là tàu đầu tiên khám phá vùng cực Nam của hành tinh này.
Dự kiến, Hằng Nga 7 sẽ nghiên cứu toàn diện bề mặt, thành phần và môi trường không gian, trong khi Hằng Nga 8 tập trung vào phân tích bề mặt.