Việt Nam tham khảo kinh nghiệm đánh giá khoa học của Australia

Từ ngày 18 - 24/11, Đoàn chuyên gia Bộ Khoa học và Công nghệ do Phó Chánh văn phòng Bộ, bà Nguyễn Thị Huệ dẫn đầu đã có chuyến thăm làm việc tại Australia để tìm hiểu, học hỏi các kinh nghiệm về cách thức đánh giá, quản lý các nhà khoa học cũng như các hoạt động nghiên cứu.


Giáo sư David Robson (trái) trao đổi với đoàn chuyên gia Việt Nam trong buổi làm việc tại UTS. Ảnh: Khánh Linh (P/v TTXVN tại Australia)

Tham gia các hoạt động của đoàn còn có Đại diện Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ tại Sydney và Canberra.

Trong buổi làm việc tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS) ngày 23/11, Đoàn đã được Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Đổi mới, Giáo sư David Robson cùng một số giảng viên giới thiệu về trường; các hoạt động nghiên cứu hợp tác với các đối tác trên thế giới; các mục tiêu chiến lược 5 năm tới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chủ yếu trong các lĩnh vực về sức khỏe, dữ liệu khoa học, phát triển bền vững, tương lai xã hội, việc phục vụ các ngành công nghiệp,...

Bên cạnh đó là những thách thức, biện pháp nhằm đạt kết quả nghiên cứu tốt nhất và hiệu quả nhất; các cách thức nâng cao nguồn thu nhập từ các nguồn không truyền thống, xây dựng thế hệ nhà nghiên cứu kế cận và phát triển cơ sở hạ tầng; các vấn đề về quản lý, đánh giá các nhà nhà khoa học và hoạt động nghiên cứu,...

Ngoài Sydney, Đoàn còn có các buổi làm việc với các trường, cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Australia tại Melbourne và Canberra.

Tại Australia, việc đánh giá và quản lý nhà khoa học và hoạt động nghiên cứu của các trường đại học được tiến hành cùng với của chính phủ theo giai đoạn từng năm và 3 năm một lần, kể từ năm 1990. Những tiêu chí đánh giá chính bao gồm số lượng và chất lượng ấn phẩm được xuất bản; nguồn thu đem lại cho trường từ công trình nghiên cứu đó.

Mục tiêu là xem xét tính hiệu quả và đối tượng áp dụng mà công trình nghiên cứu đó đem lại. Trong các trường đại học Đoàn đến nghiên cứu, UTS tuy mới thành lập năm 1988, song đã vươn lên là một trong những trường đại học có uy tín hàng đầu ở Australia và hiện có 39.000 sinh viên, trong đó có 11.000 sinh viên sau đại học, 1.600 nghiên cứu sinh và 10.500 sinh viên quốc tế.

Vào đầu năm 2016, Việt Nam và Australia sẽ đưa ra những chương trình hợp tác nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học hai nước và việc để có được những đánh giá tương đồng giữa hai bên là đặc biệt quan trọng.



Trường có trên 350 đối tác nghiên cứu công nghệ ở hơn 40 nước và vùng lãnh thổ. Hiện nay, UTS đang phấn đấu trở thành một trong những trường hàng đầu thế giới về khoa học công nghệ.


Theo Trưởng Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ tại Sydney Chu Quang Hòa, mỗi trường đại học, cơ sở nghiên cứu tại Việt Nam có hệ thống đánh giá các nhà khoa học và các hoạt động nghiên cứu khoa học riêng, không đồng nhất. Đến năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao xây dựng bộ cơ chế đánh giá chung phù hợp với tiêu chuẩn của thế giới.

Trên cơ sở tìm hiểu cách thức hoạt động ở các nước tiên tiến và trên nền cơ chế đã soạn thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xem xét bổ sung để đưa ra một hệ thống đánh giá phù hợp với chuẩn chung của thế giới cũng như được các đối tác nghiên cứu khoa học của Việt Nam chấp nhận, nhằm đưa nền khoa học công nghệ Việt Nam sánh ngang tầm với thế giới, đồng thời đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Như bất kể lĩnh vực nào, việc đánh giá kết quả đạt được của các nhà khoa học cũng như hiệu quả các công trình nghiên cứu là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đây là một vấn đề phức tạp và còn rất mới ở Việt Nam.

Tin, ảnh: Khánh Linh (P/v TTXVN tại Australia)
Australia coi Việt Nam là một câu chuyện điển hình về thành công
Australia coi Việt Nam là một câu chuyện điển hình về thành công

Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 70 tại Bảo tàng nghệ thuật quốc gia ở thủ đô Canberra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN