Vũ khí âm thanh tương lai trên biển

Giả sử việc sử dụng sóng âm thanh có thể vượt qua “khoảng trống không khí” (air gap), hay nói cách khác có thể đột nhập từ xa vào các thiết bị điện tử không kết nối mạng. Với tác động như vậy người ta có thể làm tê liệt hệ thống kiểm soát tàu chiến. Và thay cho việc phong tỏa đường biển hay sử dụng tên lửa đối hạm, kẻ thù có thể sử dụng âm thanh “độc hại”.

Hệ thống LRAD trong Hải quân Mỹ


Thuật ngữ “air gap”  được người Nga chuyển tải thành cụm từ chuẩn xác hơn là “cô lập vật lý”. Đây là giải pháp an toàn mạng, theo đó mạng máy tính an toàn cần được cô lập về vật lý khỏi các mạng không an toàn - Internet hay bất cứ mạng nội bộ nào ở cấp độ an ninh thấp. Cô lập vật lý được sử dụng trong các trường hợp cần phải đảm bảo cấp độ an ninh cao.

Các kế hoạch của Mỹ nhằm tạo hiệu ứng âm thanh lên hệ thống điều khiển tàu chiến có thể dẫn tới việc phong tỏa cả một hạm đội tàu. Hạm trưởng đã nghỉ hưu Mark Hadzherott, người từng giữ chức Phó giám đốc phụ trách an ninh mạng của Học viện hải quân Mỹ cho biết mọi tàu chiến hiện đại đều có hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu SCADA, giúp vận hành hoạt động của tàu. Và khả năng vượt qua air gap có thể đe dọa tới cán cân lực lượng.

Thiết bị phát âm thanh tầm xa (Long Range Acoustic Device-LRAD) của Mỹ, nặng gần 20kg, đường kính 33 inche (83 cm), có khả năng phát sóng ở góc 30°. Thiết bị có thể tạo ra âm hưởng tối đa 146 dB, cao hơn giới hạn gây đau đớn cho con người (120-130 dB) và gây thủng màng nhĩ. Cần biết độ ồn của động cơ máy bay tiêm kích hiện đại là 120dB. Tuy nhiên âm hưởng tạo ra giảm dần theo khoảng cách, ở cách xa 300 yard (270m), độ lớn của âm thanh giảm còn 90dB. Nhược điểm lớn của tất cả các mẫu vũ khí âm thanh hiện đại là nó có thể tác động tới chính người sử dụng. Nỗ lực nhằm thiết kế các nguồn âm thanh định hướng hẹp không mấy thành công. Khi thử nghiệm tại thao trường mở, mọi việc diễn ra đơn giản. Tuy nhiên trong thành phố hiện đại, sóng âm có thể bị phản xạ do vấp phải các vật cản khác nhau và tác động ngược trở lại người sử dụng. Chính vì vậy, LRAD được khuyến cáo dùng trên biển.

Hướng đi mới là chuyển đổi sóng âm thanh thành tín hiệu điện để tạo hiệu ứng “độc hại”. Giả sử tín hiệu âm thanh, có khả năng làm rách màng loa, có thể chuyển thành tổ hợp của các số 0 và 1, để có thể thay đổi chương trình hoạt động của hầu hết các hệ thống máy tính điều khiển tàu chiến hiện đại.

Chuyên gia phân tích của Viện an ninh quốc gia Peter Singer, cho rằng làm tê liệt SCADA, một bên sẽ có ưu thế vì sở hữu trong tay loại vụ khí không sát thương rất hiệu quả cho chiến tranh trên biển. Ông lấy ví dụ, tổng thống có thể tuyên bố “không để hạm đội nước ngoài chiếm hòn đảo nào, song không để xảy ra một cuộc chiến tổng lực”. Theo ông, vũ khí âm thanh vừa đủ để cảnh báo kẻ thù rằng nếu vượt qua biên giới,  Mỹ chỉ cần nhấn nút là tàu chiến của chúng vẫn hoạt động, song bất lực, mà chẳng có ai thiệt mạng.

LRAD của Mỹ là hệ thống thực sự có tác động, được sản xuất năm 2000, song vẫn chưa hoàn thiện và đương nhiên không thể lập trình lại các hệ thống điều khiển. Mục tiêu chính của nó là gây tác động lên con người. Mùa thu 2005, ngoài khơi bờ biển Somalia, hải tặc trên các tàu cao tốc bao vây tàu chở khách viễn dương “Seabourn Spirit”. Hải tặc hoàn toàn tin tưởng vào sự vượt trội của chúng và yêu cầu thủy thủ đoàn thả thang dây, song chỉ vài phút sau, chúng buộc phải vứt lựu đạn và súng để ôm lấy đôi tai đau đớn. Đây là lần thử nghiệm đầu tiên trên thực tế pháo LRAD có trên con tàu này.


Ý tưởng sử dụng âm thanh làm vũ khí không mới, nó đã được các nhà khoa học thai nghén từ lâu. Hầu như ai cũng biết câu chuyện cổ xưa trong kinh thánh, nói về cuộc tấn công Jericho, khi quân Do thái dưới sự lãnh đạo của Joshua gào thét và thổi kèn – tường thành Jericho khi đó nứt ra và đổ sụp. Một số người coi đây là sự kỳ diệu của thượng đế, trong khi một số khác liên tưởng tới tiếng hét và tiếng động lớn trên núi khiến cho tuyết lở, hay gây sập ở hầm lò và hang động. Vào thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng tường thành sập là do âm thanh, đặc biệt là ở tần số có thể gây cộng hưởng. Bí ẩn của câu chuyện là chiếc “kèn Jericho”. Và trong thế kỷ 20, các nhà khoa học nhiều nước thực sự đã nỗ lực chế tạo “kèn Jericho” hiện đại.

LRAD của Mỹ là một trong những thiết bị như vậy, dong công ty American Technology Corp phát triển năm 2000. Mục đích chính của nó là bảo vệ tàu thuyền trước hải tặc, khủng bố… Nó còn có thể dùng để giải tán đám đông trên phố, song được sử dụng một cách thận trọng và có chọn lọc hơn.


Duy Trinh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN