Vùng Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, GDP,… đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hàng năm. Vùng Đông Nam bộ gồm 8 tỉnh: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng và Bình Thuận vươn lên trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước có sự đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN).
Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ
Trong thời gian qua, các sở KH&CN trong vùng Đông Nam bộ không thụ động chờ đợi mà đã chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch, tập hợp nhu cầu đặt hàng của các sở ngành, doanh nghiệp... đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của tỉnh. Việc xây dựng kế hoạch KH&CN đã tránh dàn trải, tập trung vào giải quyết những vấn đề trọng điểm, bức xúc của địa phương, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN của địa phương. Qua đó, lựa chọn các đề tài, dự án từ nhiều nguồn, giải quyết các mục tiêu lớn trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo từng giai đoạn hoặc hàng năm. Ưu tiên các chương trình phát huy vai trò của KH&CN đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm của địa phương.
Ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng, Trưởng Ban KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cho biết: Trong giai đoạn này, các địa phương vùng Đông Nam bộ đã quan tâm nhiều hơn đến việc tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất cho ngành KH&CN. Từ nguồn vốn đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN Trung ương phân bổ cho địa phương, ngành KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng chiến lược đầu tư chiều sâu cho các tổ chức KH&CN; quan tâm đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho Trung tâm ứng dụng KH&CN và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, ngoài ra, chú trọng quan tâm phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng như tăng cường tiềm lực cho các tổ chức KH&CN ngoài ngành như: nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục, xây dựng, giao thông...
Nghiên cứu phát triển giống nông sản giá trị cao tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN |
Cũng theo ông Hồ Ngọc Luật, hiện nay, việc đầu tư phát triển doanh nghiệp KH&CN cũng như doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đang được các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ quan tâm, tuy nhiên, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực và thiếu các nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp. Theo báo cáo, từ năm 2009 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh mới cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp KH&CN cho 5 doanh nghiệp trong các lĩnh vực: Vật liệu xây dựng, nông nghiệp, vi mạch... Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chỉ thành lập được 2 doanh nghiệp. Sở dĩ việc thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng như doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định về chế độ báo cáo và thời hạn đối với Giấy chứng nhận để quản lý chặt chẽ doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng như thúc đẩy để doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa được công nhận sở hữu đối với sản phẩm nghiên cứu khoa học, điều kiện tiên quyết để thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ. Cùng với cơ chế, chính sách thì vấn đề vốn cũng là khó khăn cần hỗ trợ để doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển hiệu quả.
Vì vậy, thời gian tới, các địa phương vùng Đông Nam bộ sẽ chú trọng việc hỗ trợ giải quyết những khó khăn vướng mắc trong thực hiện cơ chế chính sách để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Việc giải quyết cơ chế, chính sách là cần thiết để tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Cùng với nỗ lực từ địa phương vùng Đông Nam bộ, Ban KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cũng phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng sẽ đẩy mạnh đầu tư cho các Trung tâm Ứng dụng KH&CN và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tại địa phương và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghiệp công nghệ cao, vườn ươm công nghệ... tại địa phương.
Ứng dụng và chuyển giao công nghệ tạo sản phẩm “quốc gia”
Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) là tiền đề cho sự phát triển nền kinh tế tri thức, là động lực then chốt của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và phát triển nhanh, bền vững của đất nước; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao đóng góp vào sự tăng trưởng của GDP cả nước.
Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhấn mạnh: Vùng Đông Nam bộ đã ứng dụng và chuyển giao nhiều công nghệ mới vào sản xuất và đời sống, đặc biệt là các doanh nghiệp, việc xây dựng thương hiệu, phát triển tài sản trí tuệ đã được chú trọng, hoạt động quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, quản lý ứng dụng và chuyển giao công nghệ đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội trong vùng.
Giai đoạn tới, vùng Đông Nam bộ sẽ tập trung ứng dụng công nghệ gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, tạo sức cạnh tranh cao. Ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghệ làm nền tảng cho sự phát triển: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cơ khí - tự động hóa… Phấn đấu tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 30% tổng giá trị công nghiệp đến năm 2015 và khoảng 40% đến năm 2020; phát triển mạnh hoạt động của thị trường công nghệ, đảm bảo mức tăng trưởng giá trị giao dịch mua bán công nghệ đạt trung bình 15%/năm.
Để tiếp tục là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vùng Đông Nam bộ đã sẵn sàng tham gia các Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tạo ra các sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, mang thương hiệu Việt Nam, đủ sức cạnh tranh trong xuất khẩu và thay thế nhập khẩu.
Theo thống kê của Ban KH&CN địa phương, tính đến thời điểm hiện nay, vùng Đông Nam bộ đã thẩm định và ký được hơn 30 hợp đồng chuyển giao công nghệ. Nhiều công nghệ được chuyển giao đã phát huy được tác dụng, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất hàng hóa, sản phẩm.
Vùng triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo hướng lấy mục tiêu và hiệu quả ứng dụng là tiêu chuẩn hàng đầu; thí điểm cơ chế Nhà nước đặt hàng nghiên cứu và cơ chế mua sản phẩm KH&CN đã nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, tăng tỷ lệ các dự án sản xuất thử nghiệm, huy động tiềm lực của doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh... Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng nhanh KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nông thôn; thực hiện có hiệu quả Chương trình ứng dụng tiến bộ KH&CN đối với nông thôn - miền núi. Tiến tới hình thành và phát triển các tổ chức dịch vụ KH&CN, dịch vụ chuyển giao công nghệ. Tăng cường áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; triển khai hoạt động kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất nhập, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu.
Thứ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, để KH&CN thực sự trở thành “độc lực”, “nền tảng”, “quốc sách hàng đầu” cho sự phát triển của Vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải quan tâm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ cũng như đầu tư tiềm lực mọi mặt cho KH&CN.
Nguyễn Văn