Đáng chú ý, theo dữ liệu của tạp chí Nature, năm 2022 cũng là năm đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ về đóng góp cho các nghiên cứu khoa học về Trái đất và môi trường, mặc dù nước này vẫn xếp sau trong lĩnh vực khoa học đời sống.
Dữ liệu từ Nature Index theo dõi những đóng góp cho các bài báo được xuất bản trên 82 tạp chí thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong ngành khoa học tự nhiên, cụ thể là hóa học, khoa học Trái đất và môi trường, khoa học đời sống và khoa học vật lý.
Trong số các tạp chí hàng đầu này phải kể đến Cell, Nature, Science, và Proceedings of the National Academy of Science.
Theo bài báo trên tờ Nature, những đóng góp của Trung Quốc đã liên tục tăng lên kể từ khi bắt đầu theo dõi từ năm 2014. Nước này cũng nổi lên là quốc gia xếp hạng hàng đầu về khoa học vật lý và hóa học vào năm 2021.
Chỉ số Nature Index cũng tính đến tỷ lệ tác giả từ một quốc gia trên mỗi bài báo được xuất bản. Nếu mỗi bài báo được viết bởi một nhóm các nhà nghiên cứu đều ở Trung Quốc được tính là 1 điểm thì năm 2022, Trung Quốc có gần 19.400 điểm, trong khi Mỹ có 17.610 điểm.
Nhưng Mỹ đóng góp gần 790 bài đăng trên hai tạp chí lớn là Nature và Science – cao hơn đáng kể so với 186 bài của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đứng sau Mỹ khi xét về số lượng bài báo có ít nhất một tác giả là người nước này. Trung Quốc có khoảng 23.500 bài báo cho danh mục đó vào năm 2022, trong khi Mỹ có gần 25.200.
Chính phủ Trung Quốc muốn đưa quốc gia này trở thành cường quốc toàn cầu về khoa học và công nghệ. Hồi tháng 2/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định nghiên cứu cơ bản mạnh mẽ sẽ là động lực để Trung Quốc đạt được mục tiêu kể trên, trong đó các nguồn tài trợ, hợp tác và đào tạo quốc tế đa dạng đóng vai trò rất quan trọng cho sự độc lập về công nghệ.
Trung Quốc là quốc gia chi tiêu lớn thứ hai thế giới cho nghiên cứu khoa học, với khoản tài trợ cho nghiên cứu và phát triển vượt 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (426,6 tỷ USD) vào năm 2022.
Dữ liệu được cung cấp bởi nhà xuất bản tài liệu khoa học lớn nhất thế giới, Elsevier, cho thấy Trung Quốc và Mỹ là những đối tác nghiên cứu song phương lớn nhất trên toàn cầu, với mỗi bên tạo ra khoảng 20% sản lượng học thuật của thế giới từ năm 2017 đến năm 2021.
Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên vượt qua Mỹ để dẫn đầu thế giới về số lượng bài báo được trích dẫn nhiều nhất - một chỉ số quan trọng về tầm ảnh hưởng khoa học.
Từ năm 2018 đến 2020, Trung Quốc đã đóng góp 27,2% trong số các bài báo được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới – những bài báo nằm trong top 1% về số lần trích dẫn – trong khi Mỹ chiếm 24,9%.
Theo tạp chí Science, Trung Quốc cũng giành vị trí dẫn đầu so với Mỹ vào năm 2016 về số lượng bài báo khoa học được xuất bản.
Theo một nghiên cứu của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu một cách ngoạn mục trước Mỹ trong hầu hết các công nghệ quan trọng.
Dựa trên số liệu nghiên cứu ASPI công bố ngày 2/3 được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về 37 trong số 44 lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi. Theo tổ chức, Bắc Kinh hiện đã chứng minh mình là siêu cường về khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới.
Các công nghệ quan trọng mà ASPI xét đến bao gồm một loạt các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, không gian, người máy, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu tiên tiến và các lĩnh vực công nghệ lượng tử quan trọng. Báo cáo chỉ ra rằng trong một số lĩnh vực, cả 10 tổ chức nghiên cứu đứng đầu đều có trụ sở tại Trung Quốc.