“Một trong những tiêu chí đầu tiên của một cường quốc đại dương là phải ra đại dương bằng khoa học - công nghệ hiện đại, chúng ta không thể chinh phục đại dương với độ sâu hàng nghìn mét bằng một chiếc thuyền thúng và tư duy ao hồ”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định.Nghiên cứu chưa xứng với tiềm năng PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, biển Việt Nam là một bộ phận quan trọng của Biển Đông, rộng gấp trên 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền (khoảng 30% diện tích Biển Đông), bao gồm các vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa với hơn 3.000 đảo lớn nhỏ ven bờ, hai quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa với sự đa dạng sinh học biển và nguồn lợi hải sản giàu có. Để phát triển và khai thác tốt tài nguyên biển phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thì khoa học - công nghệ (KHCN), điều tra cơ bản vùng biển là vấn đề then chốt và phải đi trước một bước, là động lực làm thay đổi cả về chất và lượng trong quá trình khai thác và sử dụng biển đảo. Song thực tế, vấn đề này vẫn chưa được chú trọng và phát triển đúng mức.
“Viện Hải dương học (Nha Trang) hình thành từ năm 1925, tức là đến nay đã gần 100 tuổi, nhưng đến giờ vẫn chưa có một con tàu nghiên cứu biển theo đúng nghĩa, mới chỉ có một tàu cận duyên nhỏ. Viện Tài nguyên và Môi trường biển được thành lập từ năm 1959, đến nay cũng chưa hề có một con tàu điều tra - nghiên cứu riêng. Phương tiện phục vụ cho công tác điều tra, nghiên cứu biển của chúng ta còn rất thiếu và không đồng bộ”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đánh giá.
Phát triển KHCN, nghiên cứu tài nguyên biển để phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước. |
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, phương tiện, trang thiết bị và trình độ KHCN biển ở nước ta vẫn ở mức lạc hậu, nên hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu biển mới tập trung chủ yếu ở vùng ven bờ, những nghiên cứu ở các vùng biển sâu còn hạn chế, phần nhiều dựa vào tài liệu quan trắc của nước ngoài, hoặc thực hiện nhờ các chuyến khảo sát hợp tác quốc tế. Công tác điều tra cơ bản, cập nhật số liệu về tài nguyên biển hiện chưa được thực hiện thường xuyên. Các số liệu điều tra cơ bản chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống, chưa giúp phác thảo được bức tranh tổng thể và chuỗi số liệu về tài nguyên - môi trường biển, phục vụ quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Đến nay, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược KHCN biển riêng, chưa có một phòng thí nghiệm nào đạt chuẩn quốc gia phục vụ công tác điều tra - nghiên cứu biển đảo. Cùng đó, lực lượng nghiên cứu biển hiện đã ít lại còn phân tán, thiếu phối hợp nên việc điều tra cơ bản và nghiên cứu KHCN biển trùng lặp, phân tán và chưa phát huy hiệu quả nguồn lực hiện có.
“Cũng vì chưa có số liệu, chưa có quy hoạch cụ thể mà hiện nay, mạnh ngành nào ngành đó khai thác, các ngành rất dễ “triệt tiêu” lợi thế và tiềm năng của nhau nên cần hài hòa lợi ích của các ngành trong cùng một không gian biển ngay từ đầu. Vì mỗi vùng biển là một hệ thống tài nguyên “đa dụng” với tính trội và tính liên kết riêng vốn có, là tiềm năng phát triển của nhiều ngành, như vừa giàu thủy sản, vừa có dầu mỏ, vừa là tuyến hàng hải... nếu có quy hoạch khai thác, sử dụng đúng theo lộ trình dài hạn thì việc cân nhắc quyết định ngành nào khai thác trước hay sau và cách thức khai thác thế nào cho bền vững sẽ giảm được xung đột lợi ích ngành và tăng tính tương thích và hiệu quả kinh tế lâu dài cho toàn vùng biển”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đánh giá.
Phải thay đổi tư duyCác chuyên gia nhận định, từ việc phát triển KHCN biển, điều tra cơ bản tổng hợp về biển đảo sẽ giúp chúng ta có cơ sở khoa học, giúp nhận dạng bản chất các hệ thống tự nhiên vốn khác nhau, hoạch định ranh giới thềm lục địa, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước. Một trong những cơ sở quan trọng để chứng minh chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở các vùng biển Việt Nam đã tuyên bố với thế giới là phát triển kinh tế biển hiệu quả, khẳng định chủ quyền dân sự, hiện diện dân sự, khai thác trên chính vùng biển của nước ta. Do đó, những hạn chế về KHCN và công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu biển sẽ không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên mà còn hạn chế về khả năng đảm bảo quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Một trong những cơ sở quan trọng để chứng minh chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở các vùng biển Việt Nam đã tuyên bố với thế giới là phát triển kinh tế biển hiệu quả. |
Theo đánh giá chung, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức và cơ chế quản lý công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa có chế độ đãi ngộ đặc thù và phù hợp cho các nhà khoa học biển, chưa khuyến khích họ. Đồng thời, công tác đào tạo nghề biển chưa được chú trọng, đào tạo còn nhỏ lẻ và phân tán. Cơ chế thu thập, lưu trữ và khai thác, sử dụng và quản lý các số liệu điều tra cơ bản, kết quả nghiên cứu khoa học biển của các bộ, ngành, địa phương chưa rõ ràng, dẫn tới nhiều số liệu điều tra cơ bản, kết quả nghiên cứu khoa học vẫn chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả và kịp thời khi đất nước cần.
Trong hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển KHCN về biển Việt Nam là điều cần thiết và cần rất nhiều giải pháp. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết: “Cần cấp thiết ban hành một chiến lược KHCN biển tầm cỡ quốc gia, tương ứng vai trò và vị thế biển đảo, trong đó có những chính sách đồng bộ, thống nhất và tổ chức lại hoạt động điều tra - nghiên cứu biển đảo, cũng như sớm công bố và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu biển quốc gia, đi kèm với các nguyên tắc quản lý bảo mật quốc gia và chia sẻ thông tin để phục vụ cho các ngành”.
Cùng đó, việc tăng cường đầu tư phương tiện, thiết bị hiện đại cho khảo sát, giám sát và nghiên cứu là rất cấp thiết. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học tập và áp dụng kinh nghiệm đầu tư và quản lý công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển của các nước tiên tiến. Những kết quả nghiên cứu được công bố rộng rãi là những bằng chứng quan trọng giúp khẳng định với bạn bè quốc tế về chủ quyền các vùng biển của Việt Nam.
“Tôi cho rằng, bằng cách cải thiện điều kiện làm việc, thay đổi phương pháp đánh giá cán bộ làm công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển và có chính sách đãi ngộ thích hợp theo mô hình các nước tiên tiến, chắc chắn sẽ có những kết quả đột phá về công tác cán bộ. Đây là yếu tố quan trọng nhất tạo ra đột biến trong phát triển KHCN biển và công tác điều tra, nghiên cứu biển đảo. Chỉ bằng cách đổi mới triệt để công tác quản lý và đầu tư trang thiết bị, ta mới mong có những bước đột phá, từng bước bắt kịp khu vực và thế giới trong lĩnh vực quan trọng này”, PGS.TS Vũ Thanh Ca đề xuất.
Cùng với hoạch định chính sách dài hạn, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tổ chức lại lực lượng thì việc chú trọng đến nguồn nhân lực biển có kỹ năng và trình độ cao trong tương lai là đặc biệt quan trọng. “Cần coi điều tra cơ bản và tổng hợp biển là một nghề mang tính đặc thù và yêu cầu cao. Nó đòi hỏi toàn diện cả về thể lực và trí lực với những kinh nghiệm và hiểu biết có chiều sâu. Bởi chúng ta không thể ra biển và tìm hiểu về đại dương trong một thế giới hội nhập với chiếc thuyền thúng và tay nghề của một người trên đất liền”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.
Thu Trang