Xử lý các điểm gây can nhiễu sóng di động

Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông- TT&TT) cho biết: Đến nay đã giải quyết xong 83/95 điểm can nhiễu thông tin di động tại Hà Nội. Còn tại TP.Hồ Chí Minh, các lực lượng chức năng cũng đang dốc sức để xử lý can nhiễu sóng nhà mạng.


Hình ảnh mô phỏng thiết bị kích sóng di động gây can nhiễu. Ảnh nguồn: Cục Tần số vô tuyến điện

Hơn 2 tháng gần đây, số vụ can nhiễu liên quan đến thông tin di động Viettel, VinaPhone, MobiFone đã tăng lên đột biến, ảnh hưởng trên quy mô rộng khiến các nhà mạng “khóc dở” vì bị ảnh hưởng chất lượng dịch vụ như: Tỷ lệ rớt cuộc gọi tăng cao bất thường, suy giảm tốc độ kết nối, thậm chí làm gián đoạn kết nối mạng 3G. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là nhiều hộ dân đã tự ý sử dụng các thiết bị kích sóng để sử dụng dịch vụ di động được dễ dàng hơn.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết: Do đặc điểm đô thị Việt Nam ngõ nhỏ, phố nhỏ nên khả năng phủ sóng trong nhà rất khó khăn. Do không có sóng di động nên người dân tự ý lắp thiết bị kích sóng trái phép, không đạt chuẩn đã gây can nhiễu cho các mạng di động.

Theo Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I, Trung tâm đã giải quyết xong 74 điểm nhiễu của Viettel, 7 điểm của MobiFone, 1 điểm của VinaPhone và 1 điểm của Vietnammobile. Qua kiểm soát, Trung tâm đã phát hiện 70 thiết bị kích sóng di động (repeater), 3 thiết bị thiết bị nhận dạng vô tuyến (RFID) và 1 camera giám sát không dây, gây ra các vụ nhiễu mạng thông tin di động tại Hà Nội.

Đại diện Trung tâm khu vực I cho biết: Sau khi tăng cường công tác tuyên truyền, thuyết phục và thanh kiểm tra, người dân đã tắt thiết bị gây nhiễu, nhiều hộ dân tự nguyện giao nộp thiết bị cho cơ quan quản lý; chỉ có 3 trường hợp phải cưỡng chế do tái sử dụng. Để đo, xử lý khối lượng lớn can nhiễu, trong hơn 10 ngày qua, Cục Tần số vô tuyến điện đã huy động nhiều công chức kiểm soát từ các Trung tâm khác về Hà Nội, cùng với Trung tâm I tăng cường lực lượng đi đo, xác định và xử lý các điểm nhiễu.

Theo các chuyên gia viễn thông, các can nhiễu thường xảy ra trên các băng tần số 900MHz, 1800MHz và 2100MHz đã được cấp phép sử dụng cho hệ thống 2G, 3G. Để hạn chế tình trạng thiết bị kích sóng xuất hiện tràn lan, sử dụng tùy tiện như hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông cần nâng cao chất lượng phủ sóng, tăng cường trạm thu phát song để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Trước đó, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đã kiến nghị Bộ TT&TT cùng các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý thiết bị kích sóng di động đang gây can nhiễu trên diện rộng. Trong đó có việc kiểm soát, quản lý việc kinh doanh các loại thiết bị này trên thị trường, không thể để tình trạng người dân vào mạng cũng có thể mua rất dễ dàng. Ngoài ra, Cục Viễn thông, Cục Tần số tăng cường phối hợp với các nhà mạng để xử lý nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi đo kiểm chất lượng dịch vụ di động của các nhà mạng thì Bộ TT&TT nên đo cả chất lượng phủ sóng ở trong nhà dân để bắt buộc nhà mạng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên đại diện Cục Viễn thông cho biết: Khả năng đo ở trong nhà dân rất khó khả thi. Hiện, Cục Viễn thông mới tiến hành đo kiểm chất lượng dịch vụ của các mạng di động ở trong tòa nhà tại những điểm công cộng như bến tàu, bệnh viện...


“Vấn đề can nhiễu nặng nề không chỉ xảy ra ở đô thị lớn như Hà Nội mà còn ở nhiều nơi nên cần tăng cường quản lý xuất nhập khẩu thiết bị kích sóng, điện thoại xách tay. Thời gian qua, Cục Tần số đã đề nghị Đại sứ quán Canada và Mỹ cùng tuyên truyền. Hiện nay còn có tình trạng điện thoại hợp quy mà vẫn gây can nhiễu do ngoài vỏ đúng tiêu chuẩn nhưng thiết bị bên trong lại không đạt chuẩn”, đại diện Cục Tần số nói.


Minh Phương
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN