Theo đài CNN (Mỹ), nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Reading (Anh) đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters hôm 8/4 cảnh báo 34% diện tích của tất cả các thềm băng ở Nam Cực, rộng khoảng nửa triệu km vuông, có thể mất ổn định nếu nhiệt độ thế giới tăng thêm 4 độ C. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết khoảng 67% diện tích thềm băng trên bán đảo Nam Cực cũng sẽ có nguy cơ tương tự nếu kịch bản này diễn ra.
Thềm băng là tảng băng lớn gắn liền với lục địa Nam Cực nhưng ăn ra biển. Độ dày các thềm băng thường dao động từ 50-600 m, theo Trung tâm Tuyết và Băng Quốc gia Mỹ. Chúng có thể giúp hạn chế sự gia tăng mực nước biển trên toàn cầu bằng cách hoạt động như một con đập, làm chậm dòng chảy của băng tan ra các đại dương.
"Các thềm băng là vùng đệm quan trọng ngăn các sông băng trên đất liền chảy tự do ra đại dương và góp phần làm mực nước biển dâng cao. Khi chúng sụp đổ, nó giống như một nút chai khổng lồ được đẩy ra khỏi miệng chai, cho phép lượng nước không thể tưởng tượng được từ các sông băng đổ ra biển", tác giả chính của nghiên cứu, bà Ella Gilbert, nhà khoa học khí hậu tại Khoa Khí tượng của Đại học Reading, cho biết trong một tuyên bố.
Nhà khoa học nói thêm rằng các khu vực có đường bờ biển thấp, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ như Vanuatu và Tuvalu, ở Nam Thái Bình Dương, có nguy cơ cao nhất do mực nước biển dâng toàn cầu. Do vậy, việc hạn chế nhiệt độ tăng lên 2 độ C có thể giảm một nửa lượng băng ở khu vực có nguy cơ tan chảy và tránh được tình trạng mực nước biển dâng cao.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã nhấn mạnh rằng chúng ta chỉ còn thời hạn đến năm 2030 để giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, và ngăn nhiệt độ Trái Đất đạt đến ngưỡng trên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
“Các phát hiện nêu bật tầm quan trọng của việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu như đã đề ra trong Hiệp định Paris, nếu chúng ta muốn tránh những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, bao gồm cả nước biển dâng”, bà Gilbert cho biết thêm.
Trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, 197 quốc gia đã đồng ý với mục tiêu duy trì nhiệt độ toàn cầu ở mức thấp hơn 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta đang trên đà làm nhiệt độ Trái Đất ấm hơn 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này.
Bà Gilbert cho rằng nhiệt độ tăng lên có nghĩa là sự tan chảy xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn.
Các nhà nghiên cứu cũng xác định 4 thềm băng sẽ bị đe dọa khi khí hậu ấm lên, đó là các thềm băng Larsen C, Shackleton, Đảo Thông và Wilkins, do vị trí địa lý và dòng chảy ở những khu vực đó được dự báo sẽ tăng lên.
Bà Gilbert lưu ý Larsen C là thềm băng lớn nhất còn sót lại trên bán đảo Nam Cực. Sông băng Đảo Thông cũng đã thu hút được rất nhiều sự chú ý trong những năm gần đây vì nó đang tan chảy nhanh chóng trước sự biến đổi khí hậu.
Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, các thềm băng sẽ sụp đổ, sông băng sẽ tan chảy vào đại dương, góp phần làm mực nước biển dâng cao, có khả năng lên tới hàng chục cm.
“Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, chúng ta có thể mất thêm nhiều thềm băng ở Nam Cực trong những thập kỷ tới. Hạn chế sự nóng lên sẽ không chỉ tốt cho Nam Cực mà việc bảo tồn các thềm băng, có nghĩa là mực nước biển toàn cầu ít dâng hơn, còn tốt cho tất cả chúng ta”, bà Gilbert nói.