Trong báo cáo của cuộc đối thoại về biến đổi khí hậu ở Cata, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (LHQ) cho biết: "Đất đóng băng vĩnh cửu" đang bắt đầu tan chảy, giải phóng hàng nghìn tấn khí cácbon, mêtan và ảnh hưởng lớn đến tình trạng gia tăng nhiệt độ toàn cầu vào năm 2100.
Đất đóng băng vĩnh cửu là một tầng dày đông cứng, chiếm khoảng 1/4 diện tích Bắc Cực, lưu giữ lượng cácbon nhiều gấp đôi lượng cácbon trong không khí.
Hình minh họa. Nguồn: Internet. |
Khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên 3°C nghĩa là ở Bắc Cực sẽ tăng khoảng 6°C, dẫn đến việc biến mất 30-85% lượng băng tuyết vĩnh cửu ở bề mặt.
Điều này làm thay đổi thủy văn, gia tăng rối loạn do hỏa hoạn và xói mòn. Thiệt hại rõ ràng nhất là với nhà cửa và đường sá, ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế - xã hội.
Khi băng vĩnh cửu tan chảy, chất hữu cơ được giải phóng và thải ra một lượng đáng kể CO2 và mêtan vào không khí. 43-135 tỉ tấn CO2 - khí gây hiệu ứng nhà kính - sẽ được thải ra đến năm 2100 và 246-415 tỉ tấn CO2 sẽ giải phóng đến năm 2200.
Tiến sĩ Charles Miller, nghiên cứu viên hàng đầu tại phòng thí nghiệm về tính dễ thương tổn ở Bắc Cực thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nói rằng so với CO2, mêtan tác động nhiều hơn đến nhiệt độ toàn cầu.
Ông cũng khẳng định rằng việc băng tan ở Bắc Cực cho ta một cái nhìn rõ ràng hơn về tác động của biến đổi khí hậu trái đất.
TTXVN/ Tin Tức