Bi kịch lấy chồng ngoại để đổi đời

Những người môi giới không chỉ tổ chức các buổi “coi mắt” tại các thành phố lớn mà còn len lỏi về các vùng quê, tìm hiểu gia cảnh của những gia đình có con gái rồi thuyết phục ba mẹ hoặc chính cô gái lấy chồng nước ngoài với hi vọng đổi đời nơi xứ người và có tiền phụ giúp gia đình.

 

Hậu Giang là một trong những tỉnh ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều phụ nữ kết hôn với người nước ngoài và đã xảy ra nhiều trường hợp đổ vỡ trong hôn nhân, gây thiệt thòi cho người phụ nữ. Trước tình hình đó, Hội Phụ nữ tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện các chương trình, tư vấn nhằm hạn chế rủi ro cho chị em lấy chồng nước ngoài.

 

Từ khi chia tách tỉnh (năm 2004) đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 10.000 trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Đối tượng kết hôn với người nước ngoài chủ yếu là phụ nữ nông thôn tuổi từ 18-25, chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định, học vấn thấp, thiếu hiểu biết về xã hội và pháp luật. Mục đích kết hôn của những người này hầu hết đều mong muốn được đổi đời và giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó, chấp nhận lấy những người nước ngoài mới chỉ gặp mặt một lần, thậm chí lấy cả những người già yếu, tàn tật, bị bệnh tâm thần.

 

Bà Huỳnh Thúy Trinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang, cho biết: Qua tiếp xúc, gặp gỡ những chị em đăng kí kết hôn với người nước ngoài tại Sở Tư pháp hoặc chị em đã lấy chồng nước ngoài trở về li dị tại Tòa án thì đa phần chị em lấy chồng thông qua môi giới. Những người môi giới không chỉ tổ chức các buổi “coi mắt” tại các thành phố lớn mà còn len lỏi về các vùng quê, tìm hiểu gia cảnh của những gia đình có con gái rồi thuyết phục ba mẹ hoặc chính cô gái lấy chồng nước ngoài với hi vọng đổi đời nơi xứ người và có tiền phụ giúp gia đình.

 

Theo bà Trinh, qua tìm hiểu của cán bộ Hội, cộng tác viên tại địa phương thì có nhiều trường hợp phụ nữ lấy chồng nước ngoài nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp và hệ quả tiêu cực. Một số phụ nữ không chịu được cảnh sống bên nhà chồng nên bỏ về hoặc trốn về nước. Những người con theo mẹ về nước có quốc tịch nước ngoài, không có giấy khai sinh nên gặp khó khăn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, giáo dục. Người phụ nữ về nước thường có mặc cảm với mọi người xung quanh nên để con ở nhà cha mẹ hoặc gửi con rồi đi nơi khác làm ăn nên người con đó lại thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của người mẹ. Nhiều phụ nữ lấy chống nước ngoài rồi bị lừa bán. Theo cán bộ tại địa phương, nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài bị ngược đãi, bị đối xử tệ bạc đến nỗi có người mắc bệnh tâm thần bị gia đình chồng trả về nước.

 

Hội Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch triển khai mô hình “Can thiệp nhằm giảm tiêu cực của tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài”, thành lập các câu lạc bộ gia đình bền vững; phối hợp với công an tỉnh tổ chức các lớp tập huấn “Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em”. Cán bộ Hội tham gia cùng Sở Tư pháp phỏng vấn các trường hợp kết hôn với người nước ngoài chênh lệch quá xa về tuổi tác, gặp gỡ các cô gái đến địa phương xác nhận độc thân để lấy chồng nước ngoài, tư vấn đầy đủ các vấn đề và rủi ro có thể xảy ra để chị em nắm rõ trước khi quyết định. Những cô gái quyết định lấy chồng nước ngoài được cán bộ hội tư vấn học ngôn ngữ nước sở tại, khi về nhà chồng phải liên hệ ngay về nhà để gia đình biết địa chỉ, số địa thoại nhà chồng, tìm hiểu địa chỉ đại sứ quán Việt Nam tại nước đó có sự hỗ trợ khi cần thiết. Hội Phụ nữ tranh thủ các nguồn vốn để đào tạo nghề cho phụ nữ ở các vùng khó khăn, ưu đãi vay vốn để chị em phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh nhằm nâng cao đời sống kinh tế, hạn chế tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài vì mục đích kinh tế với mong muốn đổi đời nơi xứ người.

 

 

Nguyễn Xuân Dự

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN