Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Baihetan sẽ sớm hoàn thành xây dựng vào tháng 7 năm nay. Nhà máy thủy điện mới nhất này của Trung Quốc dự kiến sản xuất nguồn năng lượng gấp 16 lần so với đập Hoover tại Mỹ.
Nằm trên vùng thượng nguồn của sông Dương Tử, đập Baihetan sẽ cấp điện cho các tòa nhà văn phòng, nhà máy và nhà dân tại tỉnh Giang Tô.
Bất chấp gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật dân dụng, bao gồm địa hình hiểm trở và vị trí xa xôi, Baihetan chỉ mất bốn năm để xây dựng.
“Theo tôi, đây là dự án thủy điện thách thức nhất từ trước đến nay”, Deng Jianhui – Giáo sư tại trường Đại học Thủy lợi và Tài nguyên Nước Tứ Xuyên (Thành Đô) – đánh giá.
Trước đó, đập Tam Hiệp – với độ cao thấp hơn và có vị trí xây dựng thuận tiện hơn – mất đến 8 năm mới hoàn thành. Hiện đập Tam Hiệp vẫn giữ danh hiệu công trình thủy điện lớn nhất thế giới.
“Kể từ đập Tam Hiệp, công tác xây dựng đập tại Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ. Baihetan là ví dụ điển hình nhất”, Giáo sư Deng cho hay.
Sau đợt khởi công năm 2017, nhiều người lo ngại liệu dự án có hoàn thành thời hạn đầy tham vọng đặt ra từ trước hay không. Dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm ngoái càng khiến cho tốc độ xây dựng có phần suy giảm.
Theo nhóm phụ trách xây dựng, điều làm nên sự khác biệt của dự án Baihetan là việc áp dụng rộng rãi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Phần lớn các bộ phận liên quan, từ công nhân công trường đến kỹ sư, thanh tra chất lượng và quản lý cấp cao, đều được điều hành bởi một hệ thống AI.
Trong một bài viết xuất bản trên Tạp chí Đại học Thanh Hoa tháng này, nhóm dự án do kỹ sư cấp cao Tan Yaosheng đứng đầu cho biết AI đã “cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động và lập kỷ lục thế giới về xây dựng đập vòm”.
Trước đây, việc ra quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà quản lý dự án. Tuy nhiên, ngay cả người quản lý có kinh nghiệm và chăm chỉ nhất cũng không thể xử lý tất cả các luồng thông tin trong 24 giờ một ngày. Ví dụ như điều phối hàng nghìn xe tải mỗi ngày là một nhiệm vụ vượt quá khả năng của những nhà quản lý giỏi nhất.
Nếu như cho con người quản lý, để tình trạng quá nhiều xe tải đổ dồn vào một điểm đổ xi măng có thể dẫn đến việc xếp hàng dài chờ đợi, làm chậm tiến độ xây dựng. Để khắc phục vấn đề này, AI đã sử dụng định vị vệ tinh và mạng 4G, từ đó có thể chỉ dẫn cho mỗi người lái xe biết đi đâu và khi nào.
Hệ thống liên tục điều chỉnh lượng xe di chuyển bằng cách giám sát các máy trộn xi măng, máy móc cáp, nhu cầu thời gian thực trên điểm đổ xi măng. Tan và các đồng nghiệp cho biết rất hiếm khi xảy ra sự cố vì hệ thống AI sẽ đưa ra cảnh báo sớm và chuyển thông tin đến nhân viên quản lý tại mỗi điểm để phòng các sự cố diễn ra nghiêm trọng hơn”.
Vết nứt là một trong những sai sót tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với một con đập và chúng có thể xuất hiện trong quá trình xây dựng. Khi xi măng gặp nước, nó sẽ giải phóng một lượng nhiệt lớn. Nếu nhiệt độ ở các phần khác nhau của đập thay đổi, vết nứt sẽ xuất hiện. Theo kỹ sư Tan, nhờ sự kiểm soát chính xác của AI trong quá trình trộn, đổ và làm nguội xi măng, thanh tra chất lượng không tìm thấy bất kỳ vết tích nứt vỡ nào.
Mặc dù những đóng góp và mức độ hiệu quả mà trí tuệ nhân tạo tạo ra trong quá trình xây dựng đập thủy điện không thể phủ nhận song vẫn có những ý kiến trái chiều về công nghệ mới này. Một nhà khoa học thủy điện của Đại học Thanh Hoa cho biết việc sử dụng AI trong xây dựng đập tuy hợp thời nhưng người dùng không nên phóng đại tầm quan trọng của nó. “Yếu tố con người vẫn là số 1. Một cỗ máy thông minh có thể nâng cao hiệu quả, nhưng không thể thay thế được sự cần cù và siêng năng của con người. Phụ thuộc vào AI quá nhiều có thể tạo ra cảm giác an toàn sai lệch”, nhà nghiên cứu giấu tên chia sẻ về vấn đề.