Rajesh đứng bên cạnh bóng đèn sử dụng năng lượng Mặt Trời được lắp tại nhà anh. Ảnh: Guardian |
Dân số và mức độ ô nhiễm của Ấn Độ đang trên đà tăng, do vậy khả năng
đương đầu với đói nghèo trong tình trạng không sử dụng nhiều nguyên liệu
hóa thạch của quốc gia này sẽ tạo nhiều ảnh hưởng tới thế giới.
Chỉ vào tấm pin Mặt Trời ngoài cửa sổ, anh Rajesh chia sẻ: “Đó là tấm bùa may mắn. Nó đã thay đổi cuộc đời của chúng tôi”
.
Rajesh sống tại Rajghat, một ngôi làng ở biên giới hai bang Rajasthan và Madhya Pradesh. Do nghèo khó, Rajghat đã trở thành ngôi làng của những người độc thân, trong 20 năm qua, chỉ có 2 đám cưới được tổ chức tại ngôi làng này.
Sudama, một chàng trai trẻ khác trong làng Rajghat, tâm sự: “Không ai muốn trao con gái họ cho tôi. Người ta đến thăm nhưng khi nhìn thấy tình trạng tại đây họ đều rời đi”.
Nhưng hiện nay, công nghệ xanh đã tạo nhiều thay đổi, Rajesh có thể sạc điện thoại mà không phải đi chặng đường dài đến thành phố gần nhất để thực hiện công việc này như trước đây. Rajesh cũng hy vọng về lợi ích của công nghệ này trong tương lai: “Tôi sẽ sử dụng chúng để con cái mình có thể học tập”.
Đối với nhiều người hiện đang sống trong tình trạng không có điện thì năng lượng Mặt Trời là giải pháp lý tưởng. Một bà mẹ có tên Ramhali tại làng Rajghat cũng ủng hộ ý kiến này. Ramhali cho biết có một nhóm học sinh từ thành phố lân cận đã đến lắp bóng đèn 5 watt sử dụng năng lượng pin Mặt Trời tại nhà cô.
Theo cam kết mang nhiều tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, mọi người dân Ấn Độ sẽ sống với điện và được giáo dục, chăm sóc y tế vào cuối năm 2018. Tờ Guardian (Anh) đánh giá con đường tiến tới mục tiêu này của Thủ tướng Modi và quá trình phát triển của Ấn Độ, quốc gia sẽ giữ ngôi vị đông dân nhất trên thế giới, thực sự quan trọng với toàn bộ thế giới.
Theo tờ Guardian, cho đến nay có khoảng 240 triệu người Ấn Độ vẫn sống trong tình trạng không có điện. |
Trong tất cả những quốc gia đông nhất trên thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản chỉ có Ấn Độ vẫn tăng đều lượng carbon thải ra, đơn cử như năm 2016 là 5%. Nhưng với dân số đông, trên thực tế lượng xả thải trên đầu người tại Ấn Độ khá nhỏ.
Bên cạnh đó, bà Samir Saran tại Quỹ Quan sát Nghiên cứu ở Delhi cho biết: “2/3 Ấn Độ vẫn chưa được xây dựng”. Từ đó, công cuộc xây dựng Ấn Độ mới cho 1,3 tỉ dân cho dù là dựa vào than, dầu mỏ hay năng lượng xanh được cho sẽ là lời giải của câu hỏi liệu tình trạng Trái Đất ấm lên có được “thuần hóa”.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Lord Nicholas Stern, người đã làm việc tại Ấn Độ trong 40 năm đánh giá ô nhiễm, carbon cao sẽ khiến Ấn Độ là "chủ nhân" sản sinh khí thải trên thế giới khiến việc giữ nhiệt độ toàn cầu dưới mức thỏa thuận của quốc tế chỉ tăng dưới 2 độ C là “rất khó khăn”.
Ấn Độ đang trở thành một trong những địa điểm đô thị hóa nhanh nhất với dự kiến đến năm 2030 sẽ có 200 triệu thành phố mọc lên kèm theo các tòa nhà, đường phố và ô tô. Theo ông Stern, điều này đồng nghĩa với việc mức khí thải sẽ thêm tăng đáng kể.
Với dân số khổng lồ của Ấn Độ, ngay cả mức tăng khí thải trung bình đầu người dưới mức sàn toàn cầu thì nước này vẫn trở thành một trong những quốc gia xả thải nhiều nhất trên thế giới.
Bóng đèn thắp sáng nhờ năng lượng Mặt Trời tại ngôi làng Dharnai ở bang Bihar. Ảnh: Bloomberg |
Ông Mathur là người phát ngôn của đoàn đại biểu Ấn Độ tại Hội nghị về biến đổi khí hậu tại Paris (Pháp) năm 2015, cho biết một khi pin Mặt Trời đủ mạnh để cung cấp năng lượng thì việc xả khí thải nhiều khả năng sẽ dừng lại và giảm.
Chính phủ Ấn Độ ước tính sẽ không có nhà máy nhiệt điện than nào sẽ được xây dựng trong ít nhất 10 năm tới. Đến khoảng thời gian đó, Mathur cho biết sử dụng năng lượng tái tạo sẽ rẻ hơn.
Ngoài ra, một nửa trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới đều nằm tại Ấn Độ. Nhận ra tình trạng này, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã cấm tổ chức lễ hội pháo hoa Diwali tại Delhi trong năm 2017. Vào tháng 4, các bộ tại Ấn Độ tuyên bố đến năm 2030 xe chạy bằng xăng hoặc diesel sẽ bị cấm lưu hành.
Diễn biến tại Ấn Độ sẽ tạo ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới vì lý do thực tiễn qua việc giảm giá thành của vật liệu dùng để sản xuất năng lượng xanh. Ông Saran nói: “Chúng ta sẽ sản xuất hàng loạt chúng, kết hợp lại cho thế giới. Nước Mỹ đã làm điều đó cho một tỉ người. Ấn Độ hiện nay đang thực hiện cho 6 tỉ người còn lại trên hành tinh này”. Ông Stern đánh giá cả thế giới sẽ được lợi ích từ một Ấn Độ xanh và sạch hơn.