Một số hóa chất phổ biến mà con người thường xuyên tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày có thể gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư vú. Đây là kết luận của một nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí "Triển vọng Sức khỏe môi trường" ("Environmental Health Perspectives") số ra ngày 12/5.
Sau khi tiến hành nhiều thí nghiệm ở chuột, các nhà khoa học Mỹ đã liệt kê 17 hóa chất có nguy cơ gây ung thư vú cao, trong đó có chất benzene và butadiene có trong khí thải từ động cơ ôtô và xe máy, khói thuốc lá và khói từ thức ăn bị cháy; các dung dịch tẩy rửa như methylene chloride; một số chất chống cháy; hóa chất trong ngành dệt chống bẩn và thậm chí là chất khử trùng có trong nước uống. Theo các nhà khoa học, những chất độc hại trên xuất hiện phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và những người thường xuyên tiếp xúc với chúng có nhiều khả năng mắc ung thư vú.
Trước thực tế này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến cáo và hướng dẫn nhằm giúp phụ nữ, đối tượng có nguy cơ mắc ung thư vú cao nhất, có các biện pháp hạn chế tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất trên như tránh tiếp xúc tối đa với khí thải từ các phương tiện xe cộ hoặc máy phát điện, sử dụng quạt thông gió trong khi nấu ăn và hạn chế tối đa việc tiêu thụ thức ăn bị cháy. Nghiên cứu cũng khuyến cáo người dân cần sử dụng carbon dạng khối để lọc nước, tránh mua các đồ dùng nội thất chứa chất chống cháy và polyurethane - một loại nhựa tổng hợp dùng để chế tạo sơn - cũng như các loại thảm và vải có khả năng chống bám bẩn.
Trong những năm gần đây, ung thư vú được xem là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ và là bệnh gây nguy cơ tử vong cao nhất trong số các bệnh ung thư. Ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 12 triệu trường hợp mắc ung thư, trong đó có 1,4 triệu ca là ung thư vú. Tổ chức Y tế thế giới từng cảnh báo nếu không kịp thời tăng cường các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán sớm và thay đổi lối sống phù hợp thì đến năm 2025, cả thế giới sẽ có 19 triệu phụ nữ mắc bệnh ung thư vú.