Nghiên cứu này do các nhà khoa học Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc iPS (CiRA) của Đại học Kyoto và nhiều tổ chức nghiên cứu khác thực hiện.
Các chuyên gia đã tạo ra các ống phế quản có đường kính 0,2 mm từ các tế bào biểu mô trong phế quản của người sau gần 10 ngày nuôi cấy. Họ đã cấy virus SARS-CoV-2 vào những ống phế quản này và thử nghiệm thuốc Camostat, một loại dược phẩm thường được dùng để chữa bệnh viêm tụy. Kết quả cho thấy thuốc Camostat đã có hiệu quả trong việc giảm số lượng virus SARS-CoV-2 trong các phế quản.
Theo các nhà khoa học, những ống phế quản nhân tạo nói trên gồm 4 loại tế bào và một thụ thể để SARS-CoV-2 xâm nhập vào những tế bào này.
Ngoài thuốc Camostat, các chuyên gia cũng đã thử nghiệm nhiều loại thuốc khác, trong đó có thuốc chữa cúm Avigan (favipiravir) do công ty Fujifilm Holdings Corp sản xuất. Các nhà khoa học hy vọng các ống phế quản này sẽ giúp đánh giá hiệu quả của các loại thuốc kháng virus chính xác hơn so với việc chỉ dựa trên một tế bào.
Cũng tại Nhật Bản, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 3/6, công ty chuyên cung cấp dịch vụ y tế của Nhật Bản M3.Inc cho biết đã nộp đơn đề nghị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội của nước này chứng nhận hệ thống chuẩn đoán COVID-19 sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI).
Theo đó, hệ thống chuẩn đoán hình ảnh do công ty M3.Inc phát triển sẽ sử dụng AI của công ty Alibaba để phân tích ảnh chụp CT của bệnh nhân và có thể đưa ra chuẩn đoán bệnh nhân có bị viêm phổi do virus SARS-CoV-2 hay không. Hệ thống này có thể kết hợp biện pháp phổ biến hiện nay là xét nghiệm PCR để sớm xác định người nhiễm virus, góp phần đối phó với nguy cơ dịch COVID-9 tái bùng phát tại Nhật Bản.
Thiết bị AI chuẩn đoán hình ảnh của Alibaba hiện được sử dụng tại các bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc và thành phố Thượng Hải của Trung Quốc. Hình ảnh chụp CT của bệnh nhân bị nghi ngờ mắc COVID-19 sẽ được AI phân tích và chuẩn đoán có mắc COVID-19 hay không trong thời gian 20 giây. Theo công ty Alibaba, thời gian chẩn đoán bằng AI chỉ bằng 1/60 thời gian chẩn đoán của bác sĩ bình thường và độ chính xác của thiết bị này cũng lên đến hơn 90%.
Công ty M3.Inc của Nhật Bản đã kiểm nghiệm thiết bị AI của Alibaba kể từ cuối tháng 3 năm nay, theo đó hình ảnh CT của bệnh nhân được các bệnh viện tại Nhật Bản gửi cho công ty M3.Inc sẽ được các y bác sĩ tại Đại học Y khoa Mariana chuẩn đoán, sau đó sẽ đối chứng với kết quả của hệ thống sử dụng AI của Alibaba. So với kết quả xét nghiệm bằng PCR, kết quả của AI chưa đạt 90%, tuy nhiên với thời gian chưa đến một phút, hệ thống AI đã cho kết quả tương đương mức tiêu chuẩn của một bác sĩ bình thường.
Trong bối cảnh những lo ngại về đợt bùng phát dịch thứ hai tại Nhật Bản khi các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội được nới lỏng, một trong những vấn đề được đặt ra tại nước này là nâng cao năng lực xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Với việc kết hợp chuẩn đoán sử dụng AI để phân tích ảnh chụp CT sẽ giúp hệ thống y tế nước này giảm tải và cơ quan chức năng có thể nhanh chóng xác định bệnh nhân mắc COVID-19 để có phác đồ điều trị sớm hơn.
Trong một diễn biến khác liên quan, tại Hà Lan, hãng tài trợ máu Sanquin của nước này cùng ngày cho biết theo một nghiên cứu về những người hiến máu, khoảng 5,5% trong số họ đã có các kháng thể chống virus SARS-CoV-2 trong cơ thể.
Theo hãng trên, nghiên cứu này được thực hiện với 7.000 người trong thời gian từ ngày 10 đến 20/5, qua đó giúp các nhà khoa học xác định tỷ lệ phần trăm những người mắc bệnh COVID-19. Trước đó, các nhà khoa học cũng đã tiến hành một nghiên cứu tương tự và thấy rằng 3% những người hiến máu đã có kháng thể chống SARS-CoV-2.