Hồ La Angostura, cách Cochabamba, miền trung Bolivia khoảng 14 km bị cạn khô nước do nắng nóng kéo dài. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tốc độ nóng lên của Trái đất vẫn đang diễn ra và tăng nhanh hơn bao giờ hết, cho dù các nhà lãnh đạo trên thế giới đã đạt được mục tiêu thỏa thuận sẽ hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu duới 2 độ C. Cảnh báo này vừa được đưa ra trong báo cáo "Sự thật của biến đổi khí hậu" do 7 chuyên gia quốc tế công bố.
Theo Robert Watson, nguyên Chủ tịch Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC), 2016 sẽ là năm nóng nhất lịch sử nhân loại và đây là lần phá vỡ "kỷ lục năm" lần thứ ba liên tiếp kể từ khi ngành khoa học bắt đầu biết đo nhiệt độ vào năm 1880. Ông nhấn mạnh sự cấp thiết phải tăng nỗ lực của các chính phủ nhằm giảm phát thải khí nhà kính và tránh những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, như nước biển dâng cao và sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như khô hạn, cháy rừng, lũ lụt hay cuồng phong.
Tuy nhiên, bản thông cáo trên cho rằng phát thải khí nhà kính không thể giảm nhanh chóng trong 15 năm tới, cho dù các nước ký kết Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu đều tôn trọng và sẵn sàng thực hiện các cam kết của họ. Các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại do hiệp định thiếu cơ chế pháp lý ràng buộc và đến 80% các nước ký kết phải phụ thuộc vào sự trợ giúp tài chính và kỹ thuật của những nước giàu hơn để thực hiện các cam kết của mình.
Một mối lo khác của các chuyên gia là nguy cơ không tôn trọng cam kết của Mỹ, quốc gia đứng thứ hai thế giới về lượng khí thải carbon sau Trung Quốc, và có vai trò quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo các nhà khoa học, để có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu duới 2 độ C, lượng khí thải carbon phải giảm xuống mức 0% từ nay đến năm 2060-2075. Mục tiêu này dường như khó có thể đạt được khi hiện nay 82% năng lượng trên thế giới được sản xuất từ dầu mỏ (31%), than (29%) và khí tự nhiên (22%).