Ủy ban này đã được thành lập ngay sau khi những em bé có chỉnh sửa gien đầu tiên ra đời, là kết quả thử nghiệm của một nhà khoa học người Trung Quốc He Jiankui, người đã chỉnh sửa gien thai nhi và cấy vào cơ thể một phụ nữ vừa sinh đôi mùa Thu năm ngoái.
Hành động của nhà khoa học này dấy lên hồi chuông báo động đối với các nhà nghiên cứu và những nhà hoạch định chính sách vì hiện có quá ít thông tin về những ảnh hưởng của việc chỉnh sửa gien người đối với sức khỏe và sự an toàn của con người.
Nhiều người lo ngại rằng công nghệ có thể bị lợi dụng để tạo ra những em bé biến đổi gien để có hình dáng, mặt mũi, trí thông minh hay khả năng thể thao như mong muốn.
Theo tờ New York Times, hiện các viện khoa học, viện y khoa của Mỹ và các nước trên thế giới đã cam kết sẽ đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng cũng như tạo ra một hệ thống giám sát những nghiên cứu biến đổi gien kiểu như vậy.
Ngay sau cuộc họp đầu tiên của ủy ban WHO về biến đổi gien người hôm thứ Ba vừa qua, cơ quan này đã phác thảo những bước sẽ tiến hành tiếp theo trong thời gian tới.
Tiến sĩ Margaret Hamburg, đồng chủ tịch ủy ban này cho biết những nghiên cứu liên quan biến đổi gien người phải được đăng ký để tăng tính trách nhiệm của các nhà khoa học trên khắp thế giới.
Ủy ban cũng yêu cầu WHO sớm thiết lập cơ quan để đăng ký nghiên cứu biến đổi gien người càng nhanh càng tốt.