Với trên 6.000 ca tử vong chỉ trong 1 tháng, Italy đang phải gồng mình chống đại dịch COVID-19 trong tình trạng không đủ giường bệnh cũng như y, bác sĩ và các thiết bị y tế. Dù tỷ lệ tử vong tại Italy đã chậm lại trong 3 ngày qua, làm dấy lên hy vọng dịch bệnh đang thuyên giảm, song vẫn còn trên 3.200 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị trong phòng hồi sức tích cực.
Trước khó khăn này, kỹ sư Alessandro Romaioli của công ty Isinnova đã tìm ra một giải pháp. Isinnova vốn là công ty chuyên về công nghệ in 3D, với các sản phẩm máy cảm biến động đất và phụ tùng xe đạp. Báo địa phương tại Brescia, nơi có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, đã liên hệ với kỹ sư Romaioli để tìm cách giúp đỡ các bệnh viện thành phố đang bị quá tải. Họ đề nghị kỹ sư này thử in 3D van khuếch tán, một bộ phận quan trọng của máy trợ thở.
Nhóm kỹ sư của Isinnova đã tới bệnh viện nghiên cứu và thử dùng công nghệ in 3D để tạo ra mô hình bộ phận này. May mắn là sản phẩm đã hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, công ty Isinnova còn lắp thêm mặt nạ vào các máy trợ thở.
Sau thành công của Isinnova, nhiều công ty cũng đã bắt tay vào giúp đỡ chống đại dịch tại Italy. Calzedonia, một nhãn hàng thời trang tại Italy, cho biết các nhà máy của công ty đã bắt đầu sản xuất 10.000 khẩu trang/ngày từ ngày 23/3. Công ty cam kết sẽ đẩy nhanh việc sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Hãng sản xuất ô tô Fiat-Chrysler cũng cam kết sản xuất 1 triệu khẩu trang đến tháng 5 tới.
Tại Tây Ban Nha, Nghiệp đoàn CZFB ở Barcelona thông báo một nhóm gồm 100 kỹ sư Tây Ban Nha đang sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất từ 50 - 100 máy trợ thở/ngày cho các bệnh nhân COVID-19.
CZFB, công ty điện tử Home Electronics News HP, Trung tâm Công nghệ Leitat và nhà sản xuất ô tô SEAT đã phối hợp sản xuất máy trợ thở sử dụng công nghệ in 3D. Đây là loại máy trợ thở cấp cứu có chi phí sản xuất thấp.
Đại diện của CZFB Pere Navarro cho biết máy trợ thở có tên Leitat 1 đã được Giám đốc sáng tạo tại bệnh viện Parc Tauli ở Sabadell và chuyên gia trong lĩnh vực này chứng nhận đạt chuẩn. Navarro ước tính sản xuất được khoảng 50 - 100 máy/ngày cho đến cuối tuần này, trước khi mở rộng sản xuất đến 300 máy/ngày. Những chiếc máy này có thể được sản xuất nhanh chóng do ít phức tạp hơn so với lọai được dùng tại phòng điều trị tích cực, giúp bệnh nhân có thể hít thở dưới áp lực ổn định trong 3 - 4 ngày.
Ý tưởng về dự án trên xuất phát từ trao đổi giữa các kỹ sư và các trung tâm nghiên cứu về cách giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng do COVID-19 tại Tây Ban Nha. Nhóm này đã thiết kế một mẫu máy trợ thở cấp cứu để giúp các bệnh viện chăm sóc cho tất cả các bệnh nhân trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng vật tư, thiết bị y tế.
CZFB đã bắt đầu sản xuất thiết trị trên từ ngày 23/3 và HP chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị. Tập đoàn hàng không vũ trụ Airbus và công ty đóng tàu Navantia đã đề nghị hợp tác để tăng công suất lên 300 máy/ngày.