Trong nghiên cứu mới công bố trên "Tạp chí Lão khoa: Khoa học Tâm lý" (Journal of Gerontology: Psychological Sciences) số ra ngày 29/11, bà Tamara Sims, chuyên gia thuộc Đại học Stanford và cũng là người đứng đầu công trình nghiên cứu, cho biết có nhiều ý kiến cho rằng sự phát triển của khoa học công nghệ khiến con người xa rời nhau hơn. Tuy nhiên, có một mặt tích cực khác là công nghệ có thể giúp những người lớn tuổi vốn ít có cơ hội để kết nối với các thành viên gia đình và bạn bè do những hạn chế về thể chất hoặc khoảng cách địa lý khắc phục những hạn chế này.
Trước đó, cũng từng có các nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và sức khỏe tốt hơn ở những người già, đặc biệt là giảm tỷ lệ mắc chứng trầm cảm.
Theo bà Sims, nhóm dân số 80 tuổi trở lên là phân khúc phát triển nhanh nhất tại Mỹ và cần nhận được sự quan tâm đúng mức. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên phạm vi toàn quốc một nhóm 445 người Mỹ ở độ tuổi từ 80-93. Những người tham gia được hỏi về động lực của họ đối với việc sử dụng công nghệ thông tin, bao gồm điện thoại di động, máy tính cá nhân, các dịch vụ xem video trực tuyến và các ứng dụng kỹ thuật số khác. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia cũng tìm hiểu xem những người này sử dụng bao nhiêu thiết bị và sau đó đánh giá họ về mức độ sức khỏe thể chất và tinh thần.
Hầu hết những người lớn trên 80 người được khảo sát sử dụng thường xuyên ít nhất một thiết bị công nghệ, và thói quen này thường gắn liền với tình trạng thể chất và tinh thần tốt hơn.
Tuy nhiên, bà Sims cũng khuyến cáo rằng chưa thể khẳng định chắc chắn về mối liên hệ trực tiếp giữa sử dụng công nghệ thường xuyên và cải thiện chất lượng cuộc sống tinh thần của những người trên 80 tuổi. Dù vật, những phát hiện mới đã mở ra triển vọng về một hướng hành động hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.