Con chip có kích thước chỉ bé bằng hạt gạo, được gắn dưới vùng da nằm giữa ngón trỏ và ngón cái. |
Công ty phân phối bán lẻ 32market.com tại bang Wisconsin (Mỹ) vừa giới thiệu cho nhân viên chương trình không bắt buộc: gắn chip nhận dạng phổ sóng vô tuyến cấy vào người (RFID).
Theo kênh truyền hình KSTP-TV, ít nhất 50 nhân viên thuộc công ty kỹ thuật này sẽ được gắn chip vào vị trí vùng da giữa ngón cái và ngón trỏ trên bàn tay phải. Kích thước của loại chip này chỉ bằng một hạt gạo và dễ dàng được cấy ghép vào da người “chỉ trong vòng vài giây”. Miếng chip nhỏ xinh này cho phép nhân viên vẫy tay qua máy quét, mở cửa tự động và có thể làm đơn giản hóa thủ tục trả tiền.
Theo cuốn sách giới thiệu của công ty, công nghệ RFID sẽ được áp dụng trong việc vận hành mọi thứ, từ việc mở cửa, sử dụng máy photocopy, đăng nhập vào máy tính công ty, mở khóa điện thoại, chia sẻ danh thiếp, lưu trữ hồ sơ sức khỏe/y tế cá nhân. Công ty kết luận kỹ thuật này một ngày nào đó sẽ được tiêu chuẩn hóa, cho phép bạn dùng nó như hộ chiếu, thẻ đi lại trên các phương tiện công cộng và thẻ mua hàng.
Trong khi có nhiều chủ doanh nghiệp và cố vấn an ninh nhấn mạnh về những lợi ích mà chip sinh học này mang lại, thì các nhà phê bình lại cho rằng công nghệ này sẽ tạo ra một môi trường mà trong đó việc quản lý, giám sát có thể mất kiểm soát và mọi hành động, di chuyển đều bị theo dõi.
Phản ứng trước mối lo ngại trên, công ty 32market.com lên tiếng đảm bảo cho nhóm nhân viên bị gắn chip sẽ không trở thành đối tượng bị theo dõi trên GPS.
Được biết 32market là công ty đầu tiên tại Mỹ gắn chip vào người nhân viên. Trước đó, vào năm 2014, tại Thụy Điển, công ty Biohax Quốc tế cũng đã thử nghiệm gắn chip cho nhân viên, cho phép theo dõi dữ liệu sức khỏe cũng như không cần phải nhớ mật khẩu để đăng nhập bất kỳ thiết bị cá nhân nào.