Theo hãng tin AP, Giám đốc công ty Keisuke Iwaya cho biết các hành khách không cần phải là tỷ phú hay phải trải qua các khóa huấn luyện cường độ cao để đủ điều kiện bay vào không gian.
“Phương tiện này an toàn, tiết kiệm chi phí và nhẹ nhàng đối với mọi người. Sáng kiến này dựa trên ý tưởng đưa du lịch không gian tới mọi người”, Iwaya cho biết ông muốn “dân chủ hóa không gian”.
Khinh khí cầu không gian là ý tưởng của công ty Iwaya Giken có trụ sở tại Sapporo phía Bắc Nhật Bản. Công ty này đã nghiên cứu và phát triển dự án từ năm 2012. Dự án phát triển một khinh khí cầu dạng cabin hai chỗ ngồi có khả năng bay lên tới độ cao 25.000 m – khoảng cách mà người bên trong có thể nhìn thấy đường cong của Trái Đất.
Mặc dù khinh khí cầu chỉ bay đến gần giữa tầng bình lưu và thực tế hành khách sẽ không ở ngoài vũ trụ song họ vẫn ở độ cao cao hơn trần bay của một chiếc máy bay và có tầm nhìn không bị cản trở ra ngoài không gian. Thông thường, một máy bay chở khách chỉ hoạt động trong độ cao 10.000 - 12.800 m, còn máy bay chiến đấu có thể bay tới độ cao 15.000 m.
Khinh khí cầu có thể chở theo một phi công và một hành khách, khởi hành từ một trạm khinh khí cầu ở Hokkaido, bay lên độ cao 25.000 m trong hai giờ, ở trên tầng bình lưu một giờ trước khi hạ cánh trong 1 giờ tiếp theo. Công ty cho biết cabin bằng nhựa có đường kính 1,5 mét và có một số cửa sổ lớn cho phép hành khách quan sát không gian bên trên hoặc Trái Đất bên dưới.
Không giống như tàu vũ trụ, khinh khí cầu của Giken sẽ bay lên bằng khí heli và khí này có thể được tái sử dụng. Các chuyến bay cũng sẽ giới hạn phạm vị ở trên lãnh thổ hoặc không phận Nhật Bản một cách an toàn. Chuyến đi đầu tiên được lên kế hoạch sớm nhất là vào cuối năm nay.
Công ty tiết lộ 5 hành khách đầu tiên được chọn sẽ được công bố vào tháng 10 và các chuyến bay sẽ cách nhau khoảng một tuần, tùy thuộc vào thời tiết.
Hợp tác với công ty lữ hành JTB của Nhật Bản, Iwaya Giken đã công bố kế hoạch sẵn sàng cho một chuyến bay thương mại với giá ban đầu ước tính vào khoảng 24 triệu yên (180.000 USD). Tuy nhiên, Giám đốc Keisuke Iwaya cho biết anh đặt mục tiêu sẽ giảm giá chuyến bay xuống còn vài triệu yên.
Trong bối cảnh các dự án không gian của Nhật Bản tụt lại phía sau các công ty Mỹ như SpaceX, Iwaya cho biết mục tiêu của anh là làm cho du lịch không gian trở nên dễ tiếp cận hơn. Tập đoàn SpaceX đã đưa 3 doanh nhân giàu có và đoàn hộ tống phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào tháng 4/2021 với chi phí tốn 55 triệu USD/người.