Trong một chương trình trò chuyện tại Lễ hội Đổi mới châu Âu của tạp chí Fast Company (Mỹ), ông Yuval Noah Hariri, sử gia và là tác giả sách bán chạy, cho rằng lĩnh vực đổi mới tiếp theo của nhân loại sẽ là chính cơ thể con người.
Tờ Fast Company dẫn lời ông Harari: “Sẽ ngày càng khó biết đâu là giới hạn của con người và đâu là nơi máy tính bắt đầu. Trong tương lai, có thể điện thoại thông minh sẽ không tách khỏi bản thân người sử dụng. Nó có thể được đặt trong cơ thể hoặc não, liên tục quét dữ liệu sinh trắc học và cảm xúc của người sử dụng”. Ông Harari nhấn mạnh kết hợp con người với công nghệ sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất mà nhân loại từng biết đến.
Khi công nghệ phát triển và mở rộng, cơ thể con người phần lớn vẫn không thay đổi. Con người đã phát triển nhiều công cụ tinh vi hơn, trong khi bản thân con người vẫn là loài động vật bậc cao mang trong mình nhiều đặc tính của tổ tiên thời đại đồ đá.
Theo Dailymail, mặc dù ý tưởng của ông Harari nghe có vẻ xa xôi nhưng một số lãnh đạo trong ngành công nghệ đã bắt đầu hướng tới mục tiêu kết nối não con người với máy móc.
Công ty Neuralink của tỷ phú Mỹ Elon Musk đã nhận được hàng chục triệu USD tiền tài trợ để nghiên cứu kết hợp máy tính với bộ não con người với hy vọng cải thiện trí nhớ hoặc phục hồi chức năng chân tay cho người khuyết tật.
Tương tự, Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Bộ Quốc phòng Mỹ đang tài trợ cho nghiên cứu để giúp thế hệ binh lính trong tương lai có năng lực kiểm soát máy móc, vũ khí bằng ý nghĩ.
Tích hợp máy móc và con người không chỉ giúp con người hoạt động tốt hơn, mà trong tương lai không xa, việc này còn có thể là điều bắt buộc với nhân loại khi chúng ta tìm cách định cư trên vũ trụ - một ý tưởng mà con người nghĩ tới trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.
Theo ông Harari, ngay cả vi khuẩn lì lợm nhất trên Trái đất cũng không thể sống sót trên Sao Hỏa, nên người Tinh khôn không thể sống trên các hành tinh hay thiên hà khác. Tất nhiên, có khả năng quá trình tích hợp con người và máy móc sẽ gặp trục trặc. Có thể công nghệ tác động tới suy nghĩ, cơ thể của con người và gây ra hậu quả ngoài mong muốn.
Xem video thiết bị giúp người câm nói nhờ phân tích sóng não (nguồn: Dailymail)
Trong cuộc chạy đua cải thiện trí thông minh, các đặc điểm khác của con người như lòng trắc ẩn hay khả năng phân biệt lẽ phải-trái có thể bị lãng quên.
Ngày nay, khi con người can thiệp vào đặc điểm sinh học của các loài khác, chúng ta cũng gây ra những hậu quả ngoài mong muốn. Ví dụ như ở loài bò. Loài vật này dễ bảo hơn, năng suất hơn nhưng khi bị thuần hóa làm vật nuôi, chúng chậm chạp hơn và ù lì hơn tổ tiên hoang dã.
Do vậy, dùng công nghệ để cải thiện đặc điểm sinh học của con người cho ra kết quả thế nào sẽ phụ thuộc vào ưu tiên của người sáng chế. Chính vì vậy, Harari cho biết ông đã rất quan tâm tới đối thoại với những lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn như Mark Zuckerberg của Facebook – nền tảng thu hút sự chú ý lớn của con người và khiến con người mắc kẹt trong thế giới đó. Lo ngại lớn là nhiều chuyên gia công nghệ quen thuộc với công nghệ hơn là các lĩnh vực khác trong trải nghiệm của con người.
Ông Harari nhấn mạnh con người sẽ mất rất nhiều nếu không quan tâm hơn tới những công nghệ mà chúng ta đang sáng tạo ra. Con người không nên chỉ đầu tư vào trí tuệ nhân tạo mà cần phải đầu tư tương xứng để hiểu và nuôi dưỡng lương tâm – đó là đặc tính độc nhất khiến chúng ta có tinh thần, niềm đam mê và sáng tạo.