Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình được xây dựng dựa trên các dữ liệu công khai và các dữ liệu của bên thứ ba để đánh giá những rủi ro do nhiệt độ cao trong phạm vi "siêu cục bộ" 30 m2, theo đó họ đã có phát hiện quan trọng là nhiệt độ vượt quá ngưỡng cao nhất của Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia (NWS) - ngưỡng được gọi là "Cực kỳ nguy hiểm" (trên 52 độ C) dự kiến sẽ ảnh hưởng đến 8,1 triệu người vào năm 2023 và tăng lên 107 triệu người vào năm 2053. Mức nhiệt độ này sẽ xuất hiện trong khu vực địa lý trải dài từ phía Bắc bang Texas và bang Louisiana tới các bang Illinois, Indiana và Wisconsin (khu vực nằm giữa nước Mỹ).
Để tạo ra mô hình trên, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra nhiệt độ trên bề mặt đất và nhiệt độ không khí dựa vào các dữ liệu thu được từ vệ tinh trong thời gian từ năm 2014 đến 2020 nhằm tìm hiểu về sự liên quan giữa các dữ liệu công khai và các dữ liệu của bên thứ ba. Những loại nhiệt độ này đã được nghiên cứu sâu hơn bằng cách tính đến độ cao so với mặt nước biển, cách nước được hấp thụ trong khu vực, khoảng cách tới lớp nước trên mặt đất và khoảng cách đến bờ biển.
Mô hình trên sau đó đã được mở rộng theo các điều kiện khí hậu trong tương lai, sử dụng kịch bản "dung hòa" theo dự tính của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, trong đó mức dioxide carbon bắt đầu giảm vào giữa thế kỷ này, nhưng chưa đạt đến mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2100. Ngoài những ngày ở ngưỡng "Cực kỳ nguy hiểm", theo mô hình này, các khu vực trên toàn nước Mỹ được dự báo sẽ phải hứng chịu nhiệt độ nóng hơn với mức độ phục hồi khác nhau.