Cuộc sống hiện đại khiến con người lười biếng hơn.
|
Theo giáo sư Daniel Lieberman, nhà sinh vật học tiến hóa thuộc trường Đại học Harvard, từ xa xưa con người tiến hóa để thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt, do đó, họ hình thành thói quen dự trữ năng lượng và chỉ hoạt động để duy trì sự sống.
Tổ tiên của loài người tiêu hao nhiều năng lượng trong khi tấn công con mồi, tìm kiếm thức ăn và nơi trú ẩn. Cấu trúc xương và cơ cho phép họ hoạt động lâu dài và bền bỉ. Tuy nhiên, do lượng calo trong cơ thể có hạn, con người phải cân bằng giữa vận động và nghỉ ngơi để thích nghi với môi trường. Khi nguồn thức ăn trở nên khan hiếm, việc nghỉ ngơi để dự trữ năng lượng là điều tất yếu.
Trong môi trường hiện đại, con người rất dễ dung nạp calo, do đó, cơ chế sinh học trên không còn phù hợp, gây ra các bệnh về tim, tiểu đường và loãng xương. Sự phát triển của y học hiện đại ngày càng chữa được nhiều bệnh, nhưng tập thể dục thường xuyên mới có thể điều trị bệnh tận gốc.
Cơ thể vận động hàng ngày khiến các cơ phát triển lớn hơn và mạnh mẽ hơn. Ngược lại, các cơ sẽ teo lại khi cơ thể phá vỡ các mô giải phóng năng lượng do thói quen ít vận động.
Trong một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Current Sports Medicine Reports hồi năm ngoái, Giáo sư Lieberman cho rằng để khuyến khích mọi người vận động thì môi trường làm việc và học tập cần có thêm nhiều hoạt động thể chất, đồng thời các hoạt động thể chất phải thú vị và thu hút hơn.