Theo kế hoạch, cuộc thử nghiệm sẽ được Viện Nghiên cứu Khí tượng Quốc gia (NIMR) và Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia (NIER) của Hàn Quốc cùng thực hiện vào ngày 25/1 tới tại Hoàng Hải, vùng biển nằm giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.
Một máy bay thuộc Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) sẽ phun hóa chất bạc iotua (hợp chất giữa bạc và iot, còn gọi là muối bột) vào các đám mây khi bay với tốc độ hơn 350 km/h gần đảo Deokjeok thuộc huyện Ongjin, thành phố vùng đô thị Incheon. Hóa chất này khi phân rã trong khí quyển sẽ tạo thành các hạt nước ngưng tụ, tạo ra mưa sau đó.
Các nhà nghiên cứu thuộc NIMR và NIER có kế hoạch sử dụng tàu và nhiều thiết bị khác để quan sát những thay đổi trong các hạt nước ngưng tụ trên đám mây và tác động của nó trong việc làm giảm mức độ tập trung bụi mịn sau khi hóa chất này được phun ra.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết thời gian và địa điểm tiến hành thí nghiệm sẽ thay đổi phụ thuộc vào tình hình thời tiết.
Trước đây, Hàn Quốc đã tiến hành các thí nghiệm làm mưa nhân tạo tại các vùng nội địa song mang lại ít thành công. Đây là lần đầu tiên, nước này tiến hành thử nghiệm mưa nhân tạo trên biển. Nếu thành công, Seoul hy vọng cuộc thử nghiệm này sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực giảm nồng độ bụi mịn ở mức cao tại Hàn Quốc.
Trước đó, ngày 22/1, trong cuộc họp nội các, Tổng thống Moon Jae-in đã bày tỏ quan ngại về tình trạng ô nhiễm do bụi mịn gây ra ngày càng tăng và kêu gọi đề ra nhiều biện pháp đối phó với tình trạng này như làm mưa nhân tạo và lắp đặt các máy hút bụi...
Giới chức tại 10 tỉnh thành lớn của Hàn Quốc đang đưa ra những biện pháp khẩn cấp để giảm lượng bụi mịn trong không khí, như hạn chế số lượng phương tiện lưu thông trên đường và các phương tiện vận tải công cộng.
Bụi mịn là các hạt bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm, có thể xâm nhập vào tế bào cơ thể người, phá hủy cơ chế tự bảo vệ và miễn dịch từ bên trong tế bào. Ngoài việc gây ra một loạt bệnh cấp tính, bụi mịn còn gây hại cho những cơ quan quan trọng như tim, phổi và não.