Cơn đói tạo ra động lực mạnh mẽ chi phối hành vi. |
Đó là nội dung bài nghiên cứu mới được công bố trên tờ Neuron của giáo sư Michael Krashes làm việc tại Viện nghiên cứu về các chứng bệnh tiểu đường, tiêu hóa và thận (NIDDK) thuộc Viện Y tế Quốc gia hoa Kỳ (NIH).
Vào những năm 1940, nhà tâm lý học người Mỹ Abraham H. Maslow đưa ra lý thuyết “tháp nhu cầu” giải thích động lực cho mọi hành vi của con người. Theo đó, nhu cầu của con người được chia làm 2 nhóm chính: nhu cầu cơ bản và nhu cầu cao cấp.
Nhu cầu cơ bản liên quan đến các yếu tố cần thiết cho sự sinh tồn như thức ăn, nước uống, ngủ nghỉ và an toàn. Do các nhu cầu này không thể đáp ứng được cùng một lúc, con người buộc phải chọn lựa và ưu tiên loại nhu cầu quan trọng nhất.
Nhằm tìm ra nhu cầu quan trọng nhất là gì, giáo sư Krashes cùng nhóm nghiên cứu đã thực hiện một vài cuộc thí nghiệm với chuột. Họ nhận thấy rằng chuột trong tình trạng đói khát thường chọn thức ăn trước rồi mới đến nước uống.
Khi được đặt vào môi trường có mùi của kẻ săn mồi, chuột đói sẵn sàng tách khỏi đàn, mạo hiểm để tìm kiếm thức ăn, trong khi chuột ăn no chỉ thu mình ở một góc an toàn. Điều này cho thấy nhu cầu thức ăn luôn được ưu tiên hơn so với các nhu cầu cơ bản khác.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng sử dụng thiết bị ánh sáng đặc biệt để theo dõi AgRP - noron làm này sinh cảm giác thèm ăn trong não. Theo quan sát, các nơron này hoạt động mạnh mẽ hơn mỗi khi có con chuột khác xuất hiện.
Giáo sư Krashes cho rằng kết quả nghiên cứu trên sẽ mở đường cho các bài nghiên cứu tiếp theo về mối liên hệ giữa noron AgRP và hệ thần kinh trong việc tạo động lực định hướng hành vi con người, giúp con người hiểu thêm về chứng rối loạn ăn uống cũng như cách kiểm soát cảm giác thèm ăn và ngăn chặn bệnh béo phì.