Theo đài Sputnik, nhà thiên văn học người Italy Fabio Pacucci lý giải những hố đen siêu khủng có kích thước lớn gấp hàng triệu lần so với Mặt Trời có thể quét sạch mọi thứ nó đi qua và hợp nhất những vật thể đó vào các lỗ đen khác.
Hố đen là một vật thể dày đặc đến mức mà không gian thời gian quanh nó không thể tránh khỏi việc bị biến dạng. Tất cả bị bẻ cong thành một vòng xoáy vô cực. Nguyên lý hoạt động của hố đen khổng lồ giống như một “chiếc máy hút bụi công suất siêu lớn với sức chứa vô hạn”.
“Không thứ gì, kể cả ánh sáng, có thể di chuyển đủ nhanh để thoát khỏi lực hút của một hố đen một khi nó vượt qua ranh giới nhất định, có tên gọi là Chân trời Sự kiện”, nhà khoa học Pacucci nhận định.
Cơ chế "nuốt chửng" Trái Đất của một lỗ đen (Nguồn: TED):
Để xác định liệu một hố đen có khả năng “nuốt chửng” được Trái Đất, trước tiên phải tìm hiểu vị trí của hố đen. Nhưng vì chúng không có ánh sáng, sẽ rất khó phát hiện được ra chúng. May mắn, các nhà khoa học có thể quan sát tác động của hố đen lên không gian xung quanh. Khi một vật tiếp cận hố đen, lực hút khiến vật thể di chuyển với tốc độ nhanh hơn, tạo ra một lượng lớn ánh sáng. Với những vật ở cách xa hố đen, trường hấp dẫn vẫn có thể tác động tới chúng. Nếu quan sát được một vài ngôi sao quay quanh một điểm bất thường, hố đen có thể là thứ đang dẫn dắt chúng.
Hầu hết các hố đen ta tìm thấy chia làm 2 loại chính. Loại nhỏ hơn được gọi là hố đen ngôi sao, có kích thước gấp 100 lần Mặt Trời. Chúng được tạo thành khi một ngôi sao tiêu thụ hết năng lượng hạt nhân và lõi sụp đổ. Có thể có đến 100 triệu hố đen ngôi sao ở vị trí cách 3000 năm ánh sáng chỉ tính riêng trong Dải Ngân hà.
Tuy nhiên, hố đen ngôi sao không phải là mối đe dọa đối với hành tinh của chúng ta. Mặc dù có kích thước lớn song bán kính của loại hố đen này chỉ chưa đầy 300 km. Điều này khiến khả năng tấn công trực tiếp của chúng đối với Trái Đất khá là nhỏ, song không phải là ko có ảnh hưởng. Nếu một hố đen ngôi sao điển hình đi qua sao Hải vương, quỹ đạo của Trái Đất sẽ thay đổi đáng kể với hậu quả khủng khiếp.
Loại hố đen thứ 2 mới là loại chúng ta phải lo lắng: Hố đen siêu khổng lồ, lớn gấp hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ lần so với Mặt Trời. Những hố đen này đã phát triển tới một kích cỡ rất lớn bằng cách nuốt các vật chất và hợp nhất nó với các hố đen khác. Khác với hố đen ngôi sao, hố đen siêu khổng lồ không đi dạo quanh không gian, mà thay vào đó nằm tại trung tâm các thiên hà.
Hệ Mặt trời của chúng ta đang nằm trong quỹ đạo ổn định của một hố đen siêu khổng lồ, với khoảng cách an toàn là 25.000 năm ánh sáng. Nhưng điều đó có thể thay đổi. Nếu thiên hà của chúng ta va chạm với thiên hà khác, Trái Đất có thể bị quăng về phía trung tâm thiên hà, đủ gần hố đen siêu khổng lồ và dễ bị “nuốt chửng”.
Trên thực tế, một vụ va chạm thiên hà được dự đoán sẽ xảy ra trong 4 tỷ năm nữa. Đó có thể không phải là tin tốt đối với Trái Đất.
Cuối cùng, nhà thiên văn học kết luận hố đen không phải là tác nhân phá hủy, mà nó đóng vai trò then chốt trong việc hình thành các thiên hà.