Mô phỏng hành trình nghiên cứu của các nhà khoa học vào lớp phủ địa chất của Trái đất. |
Theo Sputnik, lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học tại Cơ quan Khoa học Trái đất – Đại dương và Công nghệ của Nhật Bản đang lên kế hoạch khoan qua lớp vỏ Trái đất để chạm đến lớp phủ địa chất với cuộc nghiên cứu sơ bộ dự kiến diễn ra trong tháng 9 tới.
Dự án nhằm giúp các nhà khoa học thám hiểm lớp vỏ đại dương và nghiên cứu vi khuẩn có thể tồn tại ở độ sâu bao nhiêu bên trong lòng hành tinh Trái đất. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản cấp vốn cho dự án với hy vọng cuộc nghiên cứu có thể giúp khám phá những cách tốt hơn để dự báo động đất.
Theo kế hoạch, một mũi khoan sẽ được thả xuống 4 km xuống dưới đại dương trước khi khoan xuyên qua 6 km vào lớp vỏ Trái đất để đến đích tại 3 vùng biển ngoài khơi Hawaii, Mexico và Costa Rica. Hoạt động khoan được kỳ vọng bắt đầu trước năm 2030.
Tiến sĩ Natsue Abe, nhà nghiên cứu của dự án cho hay: “Các nhà địa chất học từ lâu đã nghiên cứu bề mặt của Trái đất, cố gắng hiểu Trái đất được hình thành như thế nào và sẽ tiến hóa ra sao trong tương lai. Tuy nhiên, họ vẫn không biết các thành tố chính xác của lớp phủ địa chất hay nhiệt độ chính xác của nó. Họ cần dữ liệu này để có thể đưa ra những giả thuyết chính xác về chính Trái đất”.
Theo bà, đến nay, các nhà khoa học chỉ biết lớp phủ địa chất của Trái đất không phải dạng chất lỏng như nham thạch mà là đá cứng. Dù đây là nỗ lực đầu tiên nhằm chạm tới lớp phủ địa chất của Trái đất, song bà cho biết từng có một dự án trước đó có tên “Moho” bắt đầu từ đầu những năm 1960, với tham vọng khoan qua lớp vỏ Trái đất vào ranh giới giữa lớp vỏ và lớp phủ địa chất.
Các tàu khoan Chikyu tối tân nhất và lớn nhất hiện nay sẽ được sử dụng phục vụ cuộc nghiên cứu.