Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) ngày 26/11 đã đưa ra lời cảnh báo trên trong báo cáo thường niên đánh giá về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mang tên "Khoảng cách khí thải".
Theo UNEP, lượng khí thải toàn cầu cần phải giảm khoảng 7,6%/năm cho đến năm 2030 để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng tới 1,5 độ C. Tuy nhiên, thực tế khắc nghiệt là lượng khí thải đã tăng trung bình 1,5%/năm trong thập kỷ qua, lên tới mức kỷ lục 55,3 tỉ tấn CO2, hay tương đương với lượng khí thải trong năm 2018, 3 năm sau khi 195 nước trên thế giới ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trước đó, ngày 25/11, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã đưa ra cảnh báo lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, vốn được coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu, đã lên mức kỷ lục mới trong năm 2018.
Theo Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, các nước đã cam kết hạn chế nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và xuống mức an toàn hơn là 1,5 độ C nếu có thể. Để làm được như vậy, các nước đã nhất trí giảm lượng khí thải và nỗ lực hướng tới một thế giới carbon thấp trong những thập kỷ tới.
Tuy nhiên, LHQ phát hiện thấy rằng thế giới đang trên đà khiến nhiệt độ Trái Đất có nguy cơ tăng đến 3,2 độ C ngay cả khi tính tới những cam kết mà các nước đưa ra trong Hiệp định Paris 2015. Ở nhiệt độ này, giới khoa học lo ngại có thể gây ra thảm họa khí hậu khôn lường.
Trong báo cáo, LHQ cho rằng mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C là vẫn có thể đạt được, song cần tới một sự thay đổi chưa từng có và mang tính phối hợp của nền kinh tế toàn cầu vốn vẫn đang tăng trưởng phần lớn nhờ dầu mỏ, khí đốt. Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhận định: "Chúng ta đang thất bại trong nỗ lực hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nếu không hành động khẩn cấp và giảm mạnh lượng khí thải toàn cầu, chúng ta đang bỏ lỡ mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức 1,5 độ C".
Theo báo cáo, nếu các nước đã có hành động chống biến đổi khí hậu nghiêm túc kể từ năm 2010 thì lượng khí thải cần phải giảm sẽ là 0,7% để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ở mức 2 độ C và 3,3% cho nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C. Tuy nhiên, bà Andersen cho rằng 10 năm trì hoãn hành động đã dẫn tới thực trạng khắc nghiệt như hiện nay.
Báo cáo cũng nêu ra những "cơ hội cụ thể" cho những nước có lượng phát thải lớn thúc đẩy nền kinh tế phù hợp với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris. Đó là loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng than đá, giảm bớt sử dụng dầu khí và tăng cường năng lượng tái tạo. Nhìn chung, các nước cần phải nỗ lực gấp 5 lần để giảm lượng khí thải nhằm hạn chế nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C.
Hồi năm ngoái, Ủy ban liên chính phủ về biến đối khí hậu đã cảnh báo nếu nhiệt độ Trái Đất tăng vượt 1,5 độ C, thì tần suất và số lượng các đợt nắng nóng, siêu bão và lũ lụt gia tăng. Năm 2019 với nhiệt độ Trái Đất tăng 1 độ C cho đến nay, đã được dự báo là năm nóng thứ hai trong lịch sử nhân loại với các vụ cháy rừng và các trận lốc xoáy dữ dội.
Trong báo cáo, LHQ thừa nhận rằng với nhu cầu năng lượng toàn cầu dự báo tiếp tục tăng trong những năm tới, "không có dấu hiệu cho thấy lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính giảm trong vài năm tới". Giám đốc phụ trách chính sách thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học, Alden Meyer nói: "Chúng ta đang không còn thời gian mà là chúng ta đã hết thời gian".