Theo CNN, Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) đã phát hiện ra một lỗ thủng ozone “lớn bất thường” phía trên Bắc Cực. Đây lỗ thủng lớn nhất từng được ghi nhận ở khu vực Bắc Bán cầu.
Tuy nhiên, hiện tượng trên không liên quan đến hoạt động của con người mà hình thành từ một vòng xoáy Bắc Cực mạnh. Chính vì vậy, việc lỗ thủng biến mất cũng gần như không liên quan đến sự suy giảm đáng kể của ô nhiễm không khí khi các quốc gia áp dụng các biện pháp phong tỏa vì dịch viêm đường hô hấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra.
“Dịch bệnh COVID-19 và các biện pháp phong tỏa không liên quan đến vấn đề này. Nó bị ảnh hưởng từ một vòng xoáy cực mạnh bất thường, không liên quan đến chất lượng không khí”, nhóm khoa học khẳng định trên mạng xã hội Twitter.
Xoáy cực là một vùng áp suất thấp ở tầng trên cao nằm gần hai cực của Trái Đất. Các xoáy cực luôn tồn tại, nhưng thường yếu đi trong mùa Hè và mạnh lên vào mùa Đông. Xoáy cực ở Cực Bắc thường yếu hơn xoáy cực ở Cực Nam do sự hiện diện của đất liền cũng như tác động từ các dãy núi.
Không giống như lỗ thủng ozone trên Bắc Cực, lỗ thủng ozone ở Nam bán cầu thường hình thành do tác động từ các hóa chất như clo và brom di chuyển vào tầng bình lưu. Điều này đã tạo ra một lỗ thủng ozone ở Nam Cực trong 35 năm qua.